55 quốc gia châu Phi ra lệnh cấm xuất khẩu da lừa
Trong nhiều năm, các công ty Trung Quốc đã nhập lượng lớn da lừa từ châu Phi để chiết xuất ra gelatin – thành phần chính trong vị thuốc quý cao lừa (a giao) của nền y học cổ truyền Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhu cầu ngày càng tăng về a giao đã làm giảm số lượng lừa đáng báo động ở các nước châu Phi đến mức các chính phủ hiện đang nỗ lực ngăn chặn hoạt động giao dịch này.
Tờ New York Times (NYT-Mỹ) cho biết, trong tháng 2 này, Liên minh châu Phi, một nhóm gồm 55 quốc gia châu Phi, đã thông qua lệnh cấm xuất khẩu da lừa trên toàn lục địa với hy vọng khôi phục số lượng lừa.
Ở Châu Phi, các gia đình nông thôn dựa vào lừa để vận chuyển và sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, cứ vài năm lừa mới sinh ra được 1 lứa, mỗi lứa 1 con.
“Nuôi lừa là một phương tiện sinh tồn ở châu Phi nhưng nó đang kích thích nhu cầu về hàng hóa xa xỉ trong tầng lớp trung lưu Trung Quốc“, Emmanuel Sarr, người đứng đầu văn phòng khu vực Tây Phi của tổ chức phi chính phủ Brooke (Anh), cho biết.
“Câu chuyện không thể tiếp tục như thế này được“, ông nhấn mạnh thêm.
Theo NYT, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của nhiều nước châu Phi. Nhưng trong những năm gần đây, các công ty Trung Quốc ngày càng bị chỉ trích vì làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên của lục địa này, từ khoáng sản đến cá và giờ là da lừa.
Trước đây, những cáo buộc như vậy chủ yếu nhắm vào các nước phương Tây.
Lauren Johnston, Tiến sĩ – Phó giáo sư tại Đại học Sydney kiêm chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-Châu Phi, cho biết: “Loại hình thương mại này đang làm suy yếu cuộc đối thoại phát triển chung giữa Trung Quốc và các nước châu Phi“.
Theo tổ chức Donkey Sanctuary, Ethiopia có số lượng lừa lớn nhất ở châu Phi.
Trong một nghiên cứu vào năm 2017, Tiến sĩ Johnston cho biết nhiều người dân địa phương phàn nàn về việc Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến số lượng lừa ở đây giảm sút.
Trung Quốc im lặng bất thường
Hoạt động buôn bán da lừa – a giao của Trung Quốc là thành phần chính của ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD.
Đây là một loại thuốc cổ truyền được cơ quan y tế Trung Quốc công nhận nhưng hiệu quả thực sự của nó vẫn còn gây tranh cãi ngay trong giới nghiên cứu khoa học – y học Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, khi thu nhập của tầng lớp trung lưu và thượng lưu Trung Quốc tăng lên, mặt hàng xa xỉ này ngày càng trở nên phổ biến.
Các sản phẩm thực phẩm liên quan đến a giao đang bùng nổ như các loại bánh ngọt, thậm chí một thương hiệu đồ uống về trà nổi tiếng đã tung ra trà sữa a giao hướng đến người tiêu dùng trẻ.
Cathy Sha, 30 tuổi, sống ở Quảng Châu, Trung Quốc cho biết dùng a giao trong vài tháng có thể giúp cải thiện các vấn đề về hô hấp và đổ mồ hôi lạnh tái phát.
Sha nói rằng, bất kể tác dụng ra sao, cô sẽ tiếp tục dùng a giao, loại thuốc phổ biến trong nền y học cổ truyền Trung Quốc.
Theo các báo cáo tin tức của Trung Quốc và ước tính của Donkey Sanctuary, ngành công nghiệp a giao của Trung Quốc hiện tiêu thụ 4 triệu đến 6 triệu da lừa mỗi năm, chiếm khoảng 10% số lượng lừa trên thế giới.
Trung Quốc từng lấy da lừa từ lừa trong nước. Tuy nhiên, số lượng lừa của Trung Quốc đã giảm mạnh từ hơn 9 triệu con năm 2000 xuống còn hơn 1,7 triệu con vào năm 2022.
Vì vậy, trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã bắt đầu chuyển sự chú ý sang châu Phi, nơi xuất xứ của 60% số lừa trên thế giới, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO).
Lừa có khả năng chống chịu cao với điều kiện khí hậu khắc nghiệt và có thể mang vác nặng trong thời gian dài, khiến chúng trở thành nguồn tài nguyên quý giá ở một số vùng ở Châu Phi.
Tuy nhiên, không giống như các loài động vật có vú bốn chân khác, lừa sinh sản rất chậm và những nỗ lực tăng cường chăn nuôi lừa lên cấp độ công nghiệp chỉ đạt được thành công hạn chế, ngay cả ở Trung Quốc.
Quần thể lừa ở một số nước châu Phi đã giảm đột ngột và đáng kể. Theo nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Brooke, số lượng lừa ở Kenya đã giảm một nửa từ năm 2009 đến năm 2019.
Trong những năm gần đây, Botswana đã mất đi 1/3 số lượng lừa. Quần thể lừa cũng đang suy giảm nhanh chóng ở Ethiopia, Burkina Faso và các quốc gia khác.
NYT cho hay, Bắc Kinh đã im lặng một cách bất thường trước lệnh cấm xuất khẩu da lừa của Liên minh châu Phi, ngay cả khi nước này vẫn lên tiếng chỉ trích các biện pháp khác nhằm ngăn chặn dòng hàng hóa vào Trung Quốc, bao gồm cả những hạn chế gần đây do các nước phương Tây áp đặt đối với việc xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn sang Trung Quốc.
Cả phái đoàn Trung Quốc tại Liên minh châu Phi lẫn Bộ Thương mại Trung Quốc đều không trả lời yêu cầu bình luận từ truyền thông.