Nhiều người nói rằng truyện của Kim Dung được yêu thích một phần là bởi những chi tiết mà tác giả cài cắm. Ví dụ như sư phụ của Tiêu Viễn Sơn, tuy cố nhà văn chưa từng nhắc tới tên nhưng qua một số chi tiết hoặc lời nói của các nhân vật khác, người hâm mộ vẫn có thể xác định được đó là ai.
Sư phụ của Tiêu Viễn Sơn là người Hán
Theo trang Sohu, trong Thiên long bát bộ, Tiêu Viễn Sơn là một trong những nhân vật bí hiểm và có ảnh hưởng rất lớn đến mọi sự kiện và ông ta cũng là cha đẻ của đệ nhất anh hùng Kiều Phong.
Tiêu Viễn Sơn vốn là dòng tộc của hoàng hậu Khiết Đan, thân làm quan của nước Đại Liêu hùng mạnh. Tuy không giữ quyền cao chức trọng trong triều đình, nhưng lại là đệ nhất dũng sĩ Khiết Đan. Khác xa với những người Khiết Đan khác, ông luôn xem trọng người Hán vì sư phụ truyền thụ võ công cho ông là người Hán. Tiếng nói của ông rất có trọng lượng vì có mối quan hệ tốt với hoàng đế và hoàng hậu. Ông ta cũng là người đề xướng hòa hảo giữa Tống và Liêu. Điều này khác biệt so với đại đa số người Khiết Đan vốn coi người Hán là kẻ thù.
Trong một lần Tiêu Viễn Sơn đưa vợ con tiến vào Trung Nguyên đã bị mai phục bởi 15 cao thủ nhất đẳng của Tống Triều lúc bấy giờ.Tại trận đánh ở Nhạn Môn Quan, Tiêu Viễn Sơn đã đánh chết gần hết các cao thủ Trung Nguyên. Ngay cả “Đại ca đứng đầu” của nhóm cao thủ cũng bị đánh trọng thương. Trong lúc giao chiến, người vợ không biết võ công đã bị đánh chết. Quá bi thương, Tiêu Viễn Sơn dùng dao khắc vào vách đá những dòng tuyệt bút trăn trối của mình, rồi ôm vợ con nhảy xuống vực tại Nhạn Môn Quan tự vẫn.
Tong những lời cuối này, Tiêu Viễn Sơn có nhắc tới việc sư phụ của mình là người Hán và lời thề không giết người Hán đã từng hứa với thầy của mình. Nhưng, hôm nay ông đã giết tới hơn 10 người Hán nên không còn mặt mũi nào để gặp lại sư phụ. Tiêu Viễn Sơn đã quyết định tự tử để giữ trọn lời thề.
Khi đang nhảy xuống, thấy đứa con thơ nay đã tròn một tuổi hóa ra vẫn sống, chưa bị các cao thủ giết hại, Tiêu Viễn Sơn đã quăng con lên trở lại. Đứa con này được trưởng bối “Đại ca đứng đầu” tha cho không giết, đem giao cho một cặp vợ chồng tiều phu Kiều Tam Hòe nuôi dưỡng. Sau này con của ông đã trở thành Kiều Phong – một anh hùng lừng lẫy thiên hạ.
Thế nhưng số trời đã định, Tiêu Viễn Sơn nhảy xuống vực thẳm Nhạn Môn Quan nhưng may nhờ rơi trúng một gốc cây cổ thụ nên đã không chết. Quá uất hận Tiêu Viễn Sơn tìm vào ẩn cư trong chùa Thiếu Lâm, tu luyện võ công ròng rã 30 năm tại đây, để tạo ra một cuộc trả thù đẫm máu và bị gọi là ‘đại ác nhân’.
Thiên Sơn Đồng Lão tiết lộ danh tính sư phụ Tiêu Viễn Sơn
Trước khi Tiêu Viễn Sơn trốn và tu luyện ở Thiếu Lâm Tự, võ công của ông ta đã được coi thuộc hàng đại cao thủ. Có thể nói, trong trận Nhạn Môn Quan năm xưa, chắc chắn 30 người tham gia huyết chiến đều là võ lâm cao thủ. Thế nhưng dù họ có hợp lực vây đánh Tiêu Viễn Sơn vẫn không một ai có thể đả thương được ông. Chỉ còn sót đúng 4 người, Huyền Từ phương trượng, Uông Kiếm Thông – bang chủ Cái Bang, Trí Quang hòa thượng chùa Chỉ Quán và Triệu Tiền Tôn.
Với thực lực này, Tiêu Viễn Sơn đã vượt xa chính con trai của mình dù anh ta được mệnh danh là đại cao thủ bởi Kiều Phong sau này đánh hết sức may ra cũng chỉ đánh được 3 cao tăng chữ Huyền của chùa Thiếu Lâm. Điều này cũng chứng tỏ võ công của Tiêu Viễn Sơn không hề tầm thường, thậm chí có thể gần sánh bằng Vô Danh thần tăng.
Võ công cao như vậy, Tiêu Viễn Sơn học từ ai?
Khi Thiên Sơn Đồng Lão và Hư Trúc trốn trong hầm băng của Tây Hạ do bị Lý Thu Thủy truy đuổi, bà đã sử dụng nơi này để luyện tập khôi phục công phu. Trong đoạn miêu tả về kỹ năng di chuyển của Thiên Sơn Đồng Lão khi ở đây, Kim Dung từng viết: “Cứ như vậy hơn một tháng trôi qua, Đồng Lão đã khôi phục kỹ năng của mình đến mức 60 tuổi. Bà ấy giống như một bóng ma vô hình khi ra vào hầm băng và vườn thượng uyển…”
Thật bất ngờ, cách di chuyển của Thiên Sơn Đồng Lão có điểm tương đồng với Tiêu Viễn Sơn. Kim Dung đã viết về Tiêu Viễn Sơn trong trận đánh ở Nhạn Môn Quan như sau: “Người Khiết Đan kia không biết dùng chiêu thức gì hai tay chộp lấy vũ khí của hai anh em đối thủ, đâm và chém, giết chết tại chỗ. Có khi còn như bay, lúc thấy trên lưng ngựa, khi thì nhảy xuống, di chuyển như ma đánh từ đông sang tây…”
Thiên Sơn Đồng Lão là một cao thủ của Tiêu Dao phái nhưng khinh công mà bà sử dụng lại giống với Tiêu Viễn Sơn. Do đó, nhiều độc giả hâm mộ tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung cho rằng, nhiều khả năng 2 nhân vật này đã sử dụng những kỹ thuật võ học cơ bản của Tiêu Dao phái. Và họ chỉ có thể học những thứ này từ người sáng lập ra Tiêu Dao phái. Như vậy, sư phụ của Tiêu Viễn Sơn rất có thể chính là Tiêu Dao Tử.