Ông Kanchha Sherpa (91 tuổi) nói đỉnh ngọn núi cao nhất thế giới ngày nay
“quá đông đúc và bẩn thỉu”
, và ngọn núi này là
“vị thần cần được tôn trọng”.
Ông Kanchha là thành viên duy nhất còn sống trong đoàn 35 người hỗ trợ nhà leo núi người New Zealand Edmund Hillary chinh phục đỉnh Everest cao 8.849 m vào ngày 29/5/1953.
“Sẽ tốt hơn nếu giảm số lượng người leo núi. Hiện trên đỉnh núi luôn đông người”,
ông Kanchha nói trong một cuộc phỏng vấn ở Kathmandu ngày 2/3.
Kể từ sau chuyến thám hiểm của Hillary, đỉnh Everest được chinh phục hàng nghìn lần và ngày càng đông đúc hơn mỗi năm. Trong mùa leo núi vào tháng 3 – 5/2023, 667 nhà leo núi đã chinh phục đỉnh Everest, thu hút hàng nghìn người đến làm việc tại trại nghỉ trên núi.
Số lượng người leo núi và sống trên đỉnh Everest quá đông gây ra những vấn đề phát sinh đáng lo ngại, nhưng chính quyền địa phương chưa có chính sách giảm cấp phép. Các quy định yêu cầu người leo núi phải tự mang rác, thiết bị và mọi thứ họ mang lên núi, nhưng việc giám sát chưa hiệu quả.
“Everest bây giờ rất bẩn. Mọi người tùy tiện vứt lon nước, vỏ hộp và giấy gói sau khi sử dụng. Ai sẽ đi nhặt chúng? Một số nhà leo núi thậm chí đổ rác xuống các vết nứt trên bề mặt băng, lúc đó thì chúng sẽ bị che khuất, nhưng cuối cùng chúng sẽ trôi xuống chân núi khi tuyết tan”,
ông Kanchha nói.
Theo ông Kanchha, với người bản địa, Everest là vị thần và được cộng đồng của họ tôn kính. Họ thường thực hiện các nghi lễ tôn giáo trước khi leo lên đỉnh.
“Họ không nên làm bẩn ngọn núi. Đó là vị thần lớn nhất của chúng tôi nhưng người ta hút thuốc, ăn thịt rồi ném lên núi. Họ không nên làm ô uế các vị thần”,
ông Kanchha bất bình.
Khi tham gia vào đoàn thám hiểm Everest năm 1953, ông Kanchha khi đó còn là thanh niên và là một trong ba người Sherpa đi cùng Hillary.
“Chúng tôi không có rượu nên chúng tôi ăn mừng bằng trà và đồ ăn nhẹ”,
ông nói.
“Sau đó chúng tôi thu thập bất cứ thứ gì có thể và mang về”.
Ông Kanchha có 4 người con, 8 cháu và một chắt 20 tháng tuổi. Gia đình ông sống ở làng Namche, dưới chân núi Everest, điều hành một khách sạn nhỏ.
Những nhà leo núi cần trung bình 7 – 9 tuần để chinh phục đỉnh Everest. Ủy ban Kiểm soát Ô nhiễm Sagarmatha (SPCC) nhập khoảng 8.000 túi đựng chất thải để phục vụ mùa leo núi năm nay. Những chiếc túi này chứa loại bột đặc biệt giúp đông đặc chất thải và làm mất mùi, nhưng những nhà leo núi vẫn được yêu cầu phải mang theo túi đựng chất thải này về sau khi kết thúc hành trình.
Mùa leo núi chinh phục đỉnh Everest năm nay, Nepal cũng công bố quy định mới về việc tất cả những người leo núi phải thuê và sử dụng chip theo dõi trong suốt hành trình của mình. Chip theo dõi sẽ giúp giảm thời gian tìm kiếm và cứu hộ trong trường hợp xảy ra tai nạn.
Việc giải cứu tại đỉnh núi cao nhất thế giới luôn tiềm ẩn rủi ro ngay cả trong những hoàn cảnh tốt nhất. Trong năm 2023, 12 nhà leo núi đã tử nạn và 5 người mất tích trong hành trình chinh phục đỉnh Everest.