Phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribe, ông Guterres kêu gọi tăng gấp đôi kinh phí thích ứng với biến đổi khí hậu, lên ít nhất 40 tỷ USD hàng năm vào năm 2025.
Theo ông Guterres, các mục tiêu phát triển bền vững đang mờ dần khi hàng triệu người trong khu vực phải chịu cảnh nghèo đói. Các nước Mỹ Latin cần được giảm bớt gánh nặng nợ nần.
Một đánh giá cập nhật của các chuyên gia cho thấy dòng tài chính công quốc tế chảy đến các nước đang phát triển để chi trả cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu nhỏ hơn 10 – 18 lần so với mức cần thiết. Họ cảnh báo rằng các nguồn tài chính mới và sáng tạo cần khẩn cấp để lấp đầy khoảng trống khi thảm họa khí hậu gia tăng.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: AP)
Khoảng cách tài chính được ước tính là từ 194 – 366 tỷ USD mỗi năm, cao hơn 50% so với ước tính trước đây. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) nhận thấy điều này là do nhu cầu ngày càng tăng, đánh giá toàn diện hơn và dòng tài chính công quốc tế giảm 15% vào năm 2021. Sự sụt giảm, xuống còn 21 tỷ USD, xảy ra bất chấp tần suất và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng của bão, lũ lụt, hạn hán và nắng nóng khắc nghiệt.
Trong lịch sử, việc thích ứng biến đổi khí hậu được ưu tiên tài chính thấp hơn so với giảm nhẹ, khiến các nước đang phát triển lo ngại. Theo Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED) – một tổ chức tư vấn, nhiều nước đang rơi vào tình trạng nợ nần để chi trả cho việc khắc phục thảm họa.
Tài chính thích ứng biến đổi khí hậu ở mức 25,2 tỷ USD vào năm 2020 nhưng giảm xuống còn 21 tỷ USD vào năm 2021. Trong COP26, các chính phủ đã cam kết sẽ tăng gấp đôi từ mức năm 2019 lên 40 tỷ USD vào năm 2025.