Lăng vua Khải Định có kiến trúc độc đáo của nhiều trường phái như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman… Đây cũng là công trình có sự giao thoa của nền văn hóa Đông – Tây và có giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.
Khải Định (1885 – 1925) là vị vua thứ 12 của triều Nguyễn. Sau khi lên ngôi năm 1916, ông đã cho xây dựng nhiều cung điện, dinh thự như điện Kiến Trung, cung An Định, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức… và đặc biệt lăng tẩm dành cho mình, gọi là Ứng Lăng.
Để xây dựng lăng, Khải Định đã tham khảo ý kiến của thầy địa lý để tìm vùng đất phong thủy và ông đã chọn núi Châu Chữ (nay thuộc xã Thủy Bằng, TP Huế) làm lăng mộ.
Lăng mộ được khởi công ngày 4/9/1920 và kéo dài trong 11 năm mới hoàn thành. So với hệ thống lăng tẩm ở Huế, lăng Khải Định có diện tích nhỏ (117m x 48,5m) nhưng rất công phu và mất nhiều thời gian hoàn thiện.
Nằm cách trung tâm TP Huế khoảng 10km về phía Tây, lăng Khải Định có sự kết hợp của nhiều trường phái kiến trúc trên những công trình như: Trụ cổng hình tháp (ảnh hưởng từ kiến trúc Ấn Độ); trụ biểu dạng phù đồ của Phật giáo; nhà bia với những hàng cột bát giác và vòm cửa theo lối Roman…
Cung Thiên Định ở vị trí cao nhất và là kiến trúc chính của lăng. Công trình được xây dựng và thiết kế tinh xảo gồm 5 phần liền nhau. Cụ thể, hai bên là Tả, Hữu Trực phòng dành cho lính hộ lăng; phía trước là điện Khải Thành để án thờ và chân dung nhà vua; chính giữa là Bửu tán nặng gần 1 tấn được thiết kế và trang trí tỉ mỉ từng chi tiết, pho tượng đồng nhà vua được đúc tại Pháp và phần mộ ở phía dưới; trong cùng là khám thờ bài vị của vua.
Giá trị nghệ thuật đặc sắc nhất của lăng Khải Định là phần trang trí nội thất trong cung Thiên Định. Toàn bộ nội thất trong cung đều được trang trí bằng mảnh ghép sành sứ và thủy tinh.
Ngoài ra còn có bức tranh “Cửu long ẩn vân” do nghệ nhân Phan Văn Tánh vẽ bằng chân. Đây được xem là bức bích họa lớn vào bậc nhất Việt Nam được trang trí trên trần của 3 gian trong cung Thiên Định.