Chuyên gia cho rằng, giá vàng nhẫn tăng cao và tiến sát với giá vàng miếng cho thấy những bất thường đang bộc lộ và cần được kiểm soát.
Chuyên gia nói có bất thường
Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu bình luận: “Đây là một hiện tượng khá bất thường bởi vàng nhẫn không có tính thanh khoản cao như vàng miếng. Vàng miếng là loại vàng mà người dân đầu tư tiết kiệm để dành và có tính thanh khoản như tiền, bởi bất cứ khi nào cần tiền mặt người dân có thể bán vàng hoán đổi ra tiền rất nhanh chóng, còn vàng nhẫn không có tính thanh khoản như vậy. Do đó giá vàng nhẫn thường chênh lệch nhiều so với giá vàng miếng”.
Tuy nhiên, tại thời điểm này vàng miếng rất khó mua, kể cả khi Ngân hàng Nhà nước bán vàng qua đấu thầu vàng và đã bán vàng qua 4 ngân hàng thương mại gồm Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, bắt đầu là bán trực tiếp và đến bây giờ là bán online.
“Số lượng vàng bán ra rất hạn chế nên người dân không mua được vàng miếng nên họ đã chuyển sang mua vàng nhẫn. Điều này chứng tỏ về vì mô thì nhu cầu về mua vàng của người dân rất lớn, kể cả khi giá vàng vẫn đang trong xu hướng tăng, kể cả trong nước và quốc tế”, ông Hiếu phân tích.
Theo ông Hiếu, hiện thị trường vàng giống như quả bong bóng, bóp chỗ này sẽ lồi sang chỗ khác. “Nếu Ngân hàng nhà nước không đáp ứng sự thoả mãn của người mua về vàng miếng thì họ sẽ chuyển sang mua vàng nhẫn để tích trữ. Chính điều này đã khiến vàng nhẫn tăng như những ngày gần đây và sẽ tiếp tục tăng nếu không có sự quản lý”.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng cảnh báo, hiện tại đầu tư vào vàng có tính rủi ro. Mức độ rủi ro với nhà đầu tư như thế nào phụ thuộc vào sự can thiệp của Ngân hàng nhà nước và nó phụ thuộc vào 2 yếu tố:
Thứ nhất, yếu tố về giá và thứ hai là yếu tố về nguồn cung.
Về giá của vàng miếng, ông Hiếu cho biết, Ngân hàng nhà nước đã tạo điều kiện để giảm thành công giá vàng từ 92 triệu đồng/lượng xuống còn 77 triệu đồng/lượng như hiện nay. Tuy nhiên, bình ổn cần thêm điều kiện đủ, đó là nguồn cung phải dồi dào.
“Khi nguồn cung dồi dào, giữ được mức 77 triệu đồng/lượng thì đó là giá bình ổn và chúng ta đã thành công trong bình ổn giá nhưng về nguồn cung của chúng ta còn hạn chế. Chính tình hình này đã đẩy giá vàng nhẫn tăng lên. Khi vàng nhẫn tăng đến mức có thể tác động đến nền kinh tế thì nó sẽ tiếp tục khơi mào cho một hiện tượng “vàng hoá nền kinh tế” mà chúng ta đã “diệt trừ” thành công từ hơn chục năm qua.
Nếu vàng nhẫn lên cao và thay thế vàng miếng thì đó là hiện tượng rất đáng quan tâm, lo ngại và vàng nhẫn cũng sẽ được Chính phủ, Ngân hàng nhà nước quan tâm, đưa vào quản lý như vàng miếng chứ không để bán tự do như hiện nay. Do đó người mua vàng nhẫn cần cân nhắc hết sức cẩn thận” , ông Hiếu cho biết.
Hiệp hội bảo bình thường
Trong khi đó, trả lời phóng viên Báo điện tử VTC News, ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch Hiệp hội vàng cho biết, nguyên nhân giá vàng nhẫn tăng cao sát với giá vàng miếng trong những ngày gần đây là do giá vàng thế giới cũng đang tăng cao.
Theo đó, chốt phiên giao dịch tuần, giá vàng thế giới đứng ở mức 2.391 USD/ounce, tăng mạnh tới 65 USD/ounce so với chốt phiên tuần trước. Quy đổi theo tỷ giá ngân hàng chưa kể thuế, phí, giá vàng thế giới rơi vào khoảng 73,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá bán ra của vàng SJC 3,58 triệu đồng/lượng.
Sau thời gian dài củng cố, giá vàng thế giới đã thoát khỏi tình trạng ảm đạm trong tuần này khi có những dấu hiệu mới cho thấy sự suy yếu của thị trường việc làm. Kim loại quý một lần nữa tiến gần đến mốc 2.400 USD/ounce.
“Một nguyên nhân khác khiến giá vàng nhẫn tăng cao vì đây là mặt hàng không được Nhà nước quản lý, trong khi đó vàng miếng SJC là mặt hàng do Nhà nước quản lý. Đây là lý do giá vàng nhẫn tiến sát giá vàng miếng. Việc giá vàng nhẫn tiến sát giá vàng miếng cũng hết sức bình thường. Vấn đề quan trọng nhất mà Chính phủ đặt mục tiêu là đưa giá vàng SJC tương đương với giá vàng quốc tế. Hiện mức chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế khoảng 4-5 triệu/lượng, giảm rất nhiều so với mức chênh gần 20 triệu trước đây”, ông Bảng nói.
Đồng tình với quan điểm của ông Đinh Nho Bảng, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong cho biết, việc giá vàng nhẫn tăng thời gian gần đây và tiệm cận với giá vàng miến SJC cho thấy thị trường vàng đang bình thường hoá trở lại.
“Về nguyên tắc vàng chỉ là 9999 thôi, dù là vàng miếng hay vàng nhẫn đều có giá trị như nhau. Nguyên nhân vàng miếng đắt hơn là do trước đây chúng ta quá sùng bái vàng miếng SJC nên giá vàng miếng mới được đà tăng cao như vậy. Do vậy, khi vàng quay trở về lấy chuẩn 9999 làm đo lường thì nó sẽ quay về với giá trị thật và khi cái gì dễ mua hơn, dễ kiểm tra được hơn thì người tiêu dùng mua nhiều”, ông Phong nói.
Riêng vàng nhẫn 9999 tại SJC được mua vào với giá 74,6 triệu đồng/lượng và bán ra 76,2 triệu đồng. Trong khi đó, Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vàng nhẫn với giá 75,38 triệu đồng và bán ra 76,68 triệu đồng, tăng 800.000 đồng và Doji mua vào 75,65 triệu đồng, bán ra 76,95 triệu đồng, tăng gần 1 triệu đồng so với cuối tuần trước…
Như vậy, so với đầu năm nay, giá vàng nhẫn đã tăng từ 12,7 đến gần 14 triệu đồng mỗi lượng, tùy thương hiệu. Từ việc thấp hơn giá vàng SJC hơn 10 triệu đồng/lượng, hiện giá vàng nhẫn đã gần ngang bằng hoặc vượt giá vàng miếng SJC. Trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng cao, giá vàng nhẫn có thể sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.