Apple bị phạt 500 triệu Euro, tương đương 570 triệu USD. Còn Meta bị phạt 200 triệu Euro, tương đương 230 triệu USD.
Cả hai đã bị cáo buộc vi phạm Đạo luật Thị trường Số (Digital Markets Act – DMA). Đạo luật này được khối hành pháp của EU, Ủy ban châu Âu đề xuất, rồi sau đó được khối lập pháp của EU, Nghị viện châu Âu thông qua vào năm 2022. Đạo luật của EU này được đề xuất và áp dụng nhằm ngăn chặn các công ty công nghệ lớn lạm dụng vị thế của họ với tư cách là “người gác cổng” trong không gian số, và có quyền lực áp đặt yêu cầu một cách đơn phương lên người dùng và doanh nghiệp.
Theo Ủy ban Châu Âu, Apple đã vi phạm Đạo luật Thị trường Số bằng cách hạn chế cách các nhà phát triển ứng dụng, phân phối qua App Store, được phép liên lạc trực tiếp với khách hàng về gói cước dịch vụ hay các ưu đãi khác.
Còn trong khi đó, Meta bị cáo buộc vi phạm luật bằng cách áp đặt hệ thống “đồng ý hoặc trả tiền” (consent or pay), buộc người dùng phải cho phép sử dụng dữ liệu cá nhân của họ để nhắm mục tiêu quảng cáo, hoặc trả một khoản phí đăng ký để được sử dụng phiên bản Facebook và Instagram không có quảng cáo.
Tình hình châu Âu và Mỹ không khác nhau nhiều
Mặc dù ở thời điểm hiện tại, Mỹ và Liên minh Châu Âu đang tranh chấp về thương mại, thuế quan và cả cuộc chiến ở Ukraine, nhưng các biện pháp trừng phạt này cho thấy sự đồng thuận giữa hai bên Đại Tây Dương trong việc giải quyết quyền lực của các công ty công nghệ lớn nhất thế giới. Các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ đã tích lũy được hàng nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa, nhờ sở hữu các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu cho giao tiếp, thương mại, thông tin và nhiều lĩnh vực khác.
Tại Mỹ, Google đã phải đối mặt với hai thất bại lớn về chống độc quyền chỉ trong vòng 8 tháng qua vì lạm dụng quyền lực của họ trong tìm kiếm trên internet và quảng cáo kỹ thuật số. Meta đang bị đưa ra tòa xét xử tại Washington với cáo buộc nghiền nát sự cạnh tranh thông qua các thương vụ mua lại Instagram và WhatsApp. Amazon và Apple cũng đang phải đối mặt với các vụ kiện chống độc quyền ở Mỹ.
Hiện chưa rõ chính quyền tổng thống Trump sẽ phản ứng như thế nào trước các quyết định của Liên minh Châu Âu đối với Apple và Meta. Vào tháng 2, Nhà Trắng đã thông báo rằng, họ sẽ xem xét trả đũa nếu Liên minh Châu Âu nhắm mục tiêu đến các công ty công nghệ Mỹ dựa theo hai đạo luật DMA và DSA. Nếu như DMA nhắm tới việc cố tạo ra thị trường công bằng, thì DSA tập trung vào việc hạn chế nội dung trực tuyến bất hợp pháp và thông tin sai lệch.
“Ủy ban Châu Âu đang cố gắng làm suy yếu các doanh nghiệp thành công của Mỹ, trong khi cho phép các công ty Trung Quốc và châu Âu hoạt động theo các tiêu chuẩn khác. Đây không chỉ là vấn đề một khoản tiền phạt. Việc Ủy ban buộc chúng tôi phải thay đổi mô hình kinh doanh của mình thực tế áp đặt một loại thuế quan trị giá hàng tỷ USD lên Meta đồng thời cũng yêu cầu chúng tôi cung cấp một dịch vụ kém chất lượng hơn.”
Apple và câu chuyện giới hạn dev trong App Store
Các cuộc điều tra đối với Apple và Meta đã bắt đầu từ hơn một năm trước, trước khi có cuộc tranh chấp thương mại và thuế quan giữa chính quyền tổng thống Trump và liên minh châu Âu. Tuy nhiên, việc quản lý ngành công nghệ đã trở thành một phần của các cuộc đàm phán xuyên Đại Tây Dương, với các công ty công nghệ Hoa Kỳ được coi là mục tiêu tiềm năng sau những nỗ lực của chính quyền Trump để đánh thuế xuất khẩu châu Âu sang Hoa Kỳ.
Các khoản tiền phạt được công bố đối với Apple và Meta vào thứ Tư thấp hơn mức tối đa cho phép theo luật pháp, có thể lên tới hàng tỷ USD.
Trong trường hợp của Apple, các nhà quản lý cho biết công ty đã không tuân thủ các quy tắc nhằm mục đích cho phép các nhà phát triển cung cấp trò chơi, ứng dụng văn phòng và phần mềm khác thông qua App Store liên lạc và tiếp cận khách hàng về các ưu đãi. “Người tiêu dùng không thể được hưởng đầy đủ các ưu đãi thay thế và rẻ hơn vì Apple ngăn cản các nhà phát triển ứng dụng trực tiếp thông báo cho người tiêu dùng về những ưu đãi đó,” các nhà quản lý nói vào hôm nay 23/4.
Các nhà quản lý thị trường châu Âu cũng đã đưa ra một phán quyết sơ bộ khác chống lại Apple vì vi phạm đạo luật Thị trường Số, bằng cách hạn chế quyền truy cập vào cửa hàng ứng dụng của các đối thủ cạnh tranh trên hệ sinh thái iPhone và các thiết bị Apple khác. Ủy ban đã đóng một cuộc điều tra riêng biệt với Apple. sau khi công ty cung cấp nhiều tùy chọn hơn cho khách hàng để xóa các ứng dụng được cài đặt sẵn trên thiết bị.
Meta gặp rắc rối với quảng cáo
Đối với Meta, các nhà quản lý Châu Âu cho biết, tập đoàn đã vi phạm luật bằng cách giới thiệu dịch vụ trả tiền để sử dụng MXH không có quảng cáo, về cơ bản buộc người dùng phải trả tiền để bảo vệ quyền riêng tư. Đạo luật Thị trường Số yêu cầu các công ty phải được sự đồng ý của người dùng trước khi kết hợp dữ liệu cá nhân từ các dịch vụ khác nhau. Những người không cung cấp sự đồng ý sẽ được tiếp cận với một “lựa chọn thay thế tương đương nhưng ít cá nhân hóa hơn”, theo Ủy ban.
Apple và Meta sẽ có 60 ngày để tuân thủ phán quyết, hoặc họ có thể phải đối mặt với các khoản tiền phạt bổ sung. Bà Teresa Ribera, phó chủ tịch điều hành của Ủy ban Châu Âu, giám sát việc áp dụng luật, cho biết:
“Apple và Meta đã không đáp ứng yêu cầu về việc tuân thủ Đạo luật Thị trường Số, thông qua hành vi thực hiện các biện pháp củng cố sự phụ thuộc của người dùng doanh nghiệp và người tiêu dùng cá nhân vào nền tảng của họ. Tất cả các công ty hoạt động ở EU phải tuân thủ và tôn trọng luật pháp của chúng tôi.”
Các mối đe dọa từ chính quyền Trump về việc trả đũa châu Âu treo lơ lửng, đe dọa nhiều cuộc điều tra của các nhà quản lý châu Âu nhắm tới các tập đoàn công nghệ Mỹ. Google có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt, liên quan đến các hoạt động kinh doanh liên quan đến cửa hàng ứng dụng Google Play và công cụ tìm kiếm của mình. Theo các nhà quản lý châu Âu, Google có thể đã vi phạm Đạo luật Thị trường Số.
Và trong một cuộc điều tra lớn khác, X, nền tảng truyền thông xã hội thuộc sở hữu của Elon Musk, dự kiến sẽ bị phạt vì vi phạm Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số.