Vào một ngày đầu tháng 10 năm 1970, các công nhân đang thi công trên công trường xây dựng tại thôn Hà Gia, Thiểm Tây, Trung Quốc đã gặp một chuyện bất ngờ. Được biết, khi đang đào đất, xẻng của một trong số các công nhân đã va chạm vào một vật cứng kỳ lạ.
Đội ngũ xây dựng đã ngay lập tức dừng thi công, bới đất và phát hiện bên dưới có 2 chiếc bình có hình dáng vô cùng độc đáo.
Khi mở, mọi người ở đó đều sửng sốt vì bên trong chứa đầy những chiếc chén bằng vàng, bạc. Nhìn kỹ, một người công nhân còn phát hiện có 12 con rồng nằm trong chiếc bình mạ vàng.
Những con rồng được làm bằng vàng ròng. Phần sừng và đuôi được uốn cong, thân thì được chạm khắc vô cùng tinh xảo.
Người quản lý công trường đã ngay lập tức báo với trưởng thôn Hà Gia. Sau đó, vị trưởng thôn đã liên hệ với cơ quan chức năng của địa phương để báo cáo tình hình. Ngay ngày hôm sau, một nhóm các nhà khảo cổ đã tới và yêu cầu phong tỏa khu vực tìm thấy những món cổ vật này.
Theo thống kê, nếu tính cả căn hầm ẩn dưới lòng đất của công trường, có hơn 1.000 di vật văn hóa đã được tìm thấy và được cho là có từ thời nhà Đường. Các nhà khảo cổ đã khai quật được 271 bình vàng bạc, 22 miếng bạc, 8 vòng cổ bạc, 60 đĩa bạc, 466 đồng xu vàng, bạc và đồng. Ngoài ra, họ còn tìm thấy 10 chiếc thắt lưng ngọc bích, 3 món đồ bằng mã não, 1 món đồ pha lê, 1 đôi nhẫn ngọc bích và 13 món đồ trang sức bằng vàng và đá quý…
Những món đồ này được chế tác vô cùng tinh xảo – chúng cho thấy trí tuệ và tài năng của những người thợ thủ công thời nhà Đường.
Sau khi đánh giá, các chuyên gia cho rằng giá trị của những món cổ vật này là quá lớn và chưa thể ước tính được.
Ba trong số các cổ vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Hàng chục vật phẩm khác cũng được xác nhận là di vật văn hóa hạng nhất cấp quốc gia.
Vào năm 2004, “kho báu” này chính thức được trưng bày công khai ở Bắc Kinh.
Tổng hợp