Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 50 -60 tấn/năm, phần lớn là không chính ngạch
Nếu như ngày 3/3/2023 giá vàng miếng SJC giao dịch mốc 66 triệu đồng/lượng, thì tới 2/3/2024 giá vàng đã chạm đỉnh 81 triệu đồng/lượng. Như vậy chỉ sau 1 năm giá vàng đã tăng 22,27% tương đương 17 triệu đồng/lượng. Theo ông lí do nào kéo giá vàng mạnh mẽ như vậy?
Nguyên nhân thứ nhất, đồng USD liên tục tăng giá so với các đồng ngoại tệ khác. Cụ thể chỉ số USD Index (tỷ giá USD so với 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới) mới đây đã tăng từ 102-103 lên 104 điểm. Trong khi đó chỉ số USD Index quý 3/2023 chỉ ở mức 100,3 điểm. Và trong cả thập kỷ qua, chỉ số USD Index chỉ ở ngưỡng 98 điểm mà thôi.
Lí do đồng USD (đô la Mỹ) tăng giá là bởi các Ngân hàng Trung ương châu Âu chưa chịu giảm lãi suất và có thể còn duy trì ở mức cao.
Lí do thứ hai, xung đột quân sự ở một số nơi có thể lan rộng nên cả thế giới đang tìm đến vàng để tích trữ và tìm tới USD để đảm bảo thanh khoản cao. Đó cũng là lí do các Ngân hàng Trung ương liên tục mua vàng vào để tăng dự trữ.
USD tăng, giá vàng tăng chính là nguyên nhân gây áp lực khiến tỷ giá hối đoái cũng tăng. Khi tỷ giá hối đoái tăng, giá vàng lại càng tăng mạnh mẽ hơn.
Việt Nam cũng không nằm ngoài theo xu hướng chung của thế giới.
Nghĩa là giá USD tăng mạnh trong thời gian qua cũng là bởi giá vàng, thưa ông?
Đúng vậy. Theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới vài năm gần đây, Việt Nam tiêu thụ khoảng 50-60 tấn vàng nguyên liệu/năm. Trong khi tổng lượng vàng khai thác trong nước chỉ đạt 2-3 tấn/năm. Như vậy gần như toàn bộ lượng vàng nguyên liệu để sản xuất, kinh doanh đến từ nhiều nguồn, nhưng phần lớn đến từ con đường không chính ngạch, trong đó có cả nhập lậu. Với số vàng tiêu thụ 50-60 tấn/năm, số USD chúng ta phải bỏ ra là hàng tỷ USD/năm là số tiền không nhỏ và điều này gây áp lực lên tỷ giá hối đoái.
Đặc biệt, trong thời gian qua giá vàng trong nước thường xuyên cao hơn giá vàng thế giới từ 13-20 triệu đồng/lượng. Đây là lỗ hổng lớn cho buôn lậu và khiến giá USD tự do tăng mạnh mẽ.
Một nguyên nhân khác khiến giá USD tăng là 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Khi nhập khẩu tăng, nhu cầu USD để thanh toán các đơn hàng cho nước ngoài tăng nên giá USD tăng. Khi nhu cầu USD tăng lại gây áp lực lên giá vàng.
Nguyên nhân cuối cùng có thể một phần do lãi suất tiền gửi tiết kiệm đã xuống chạm ngưỡng bẫy thanh khoản. Khi lãi suất tiền gửi chạm ngưỡng bẫy thanh khoản thì người dân có hiện tượng rút tiền gửi những chỗ khác. Mà những chỗ khác chính là vàng và ngoại tệ. Còn một phần tiền sẽ đổ vào bất động sản hay chứng khoán.
Chúng ta thấy, thời gian qua chỉ số VN-Index liên tục tăng, trong khi nhà đầu tư nước ngoài lại bán ròng. Nếu như trước đây nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, thì chỉ số VN-Index sẽ giảm. Điều này cho thấy dù nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, thì vẫn đang có một dòng tiền khác đổ vào.
Trên thực tế, hơn 30 năm nay, giá vàng thế giới và đặc biệt giá vàng trong nước liên tục tăng. Giá USD về cơ bản cũng tăng.
Giá vàng miếng đã tăng 40 lần trong 30 năm qua
Xin ông phân tích rõ hơn thực trạng giá vàng liên tục tăng suốt 30 năm qua, liệu sắp tới giá vàng có hạ nhiệt?
Giá vàng thế giới năm 1990 neo ở ngưỡng khoảng 40 USD/ounce, tương đương khoảng 2 triệu đồng/lượng. Năm 2004 giá vàng thế giới lập đỉnh sau 14 năm khi chạm ngưỡng 418 USD/ounce tương đương khoảng 7,6 triệu đồng/lượng.
Đến 2024, sau 34 năm giá vàng thế giới tăng lên 2.083 USD/ounce tương đương 66 triệu đồng/lượng và giá vàng miếng SJC hiện đang bán gần 81 triệu đồng/lượng. Điều này cho thấy giá vàng đã tăng khoảng 40 lần và tăng liên tục suốt 34 năm qua.
Vậy có mặt hàng nào có thể so sánh với vàng không, thưa ông?
Một mặt hàng với tốc độ tăng vọt có thể so sánh với vàng chính là BĐS. Theo số liệu tôi nghiên cứu 6 tháng trước, giá BĐS tại Việt Nam đã tăng 120 lần sau 34 năm. Lấy một dẫn chứng nhỏ thôi, năm 1990 khi mua miếng đất nhỏ 50m 2 tại Hà Nội có giá chỉ 26 triệu đồng và hiện nay căn nhà có giá 8 tỷ đồng. Vậy miếng đất đã tăng không chỉ 120 lần mà là 200 lần.
Vàng và BĐS vốn là những tài sản được coi là chủ chốt để cất trữ tiền. Nên không lạ gì khi ngay cả trong điều kiện kinh tế bình thường giá vàng và bất động sản vẫn có thể tăng. Đồ thị hình sin trong ngắn hạn có thể lúc lên lúc xuống, có những biến động chỉ là ngắn hạn, còn xu thế dài hạn luôn đi lên.
Nhà nước đừng độc quyền kinh doanh vàng miếng nữa
Vậy làm sao để giá vàng trong nước về tiệm cận với thế giới?
Trong giai đoạn 2011 lạm phát tăng cao, nền kinh tế vĩ mô rối loạn… Khi đó việc độc quyền vàng như Nghị định 24 là phù hợp, nhanh chóng ổn định thị trường vàng . Nhưng hiện nay, việc độc quyền sản xuất và kinh doanh vàng miếng SJC không cần thiết. Nên trả SJC trở lại theo thị trường.
Dân mua hay bán vàng, đó cũng là một loại tài sản để cất trữ tiền mà thôi. Khi không độc quyền vàng miếng SJC nữa thì giá vàng trong nước sẽ theo thị trường điều chỉnh về tiệm cận giá vàng thế giới.
Nhưng như vậy nền kinh tế có lo ngại bị đô la hóa hay vàng hóa không thưa ông?
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng như những Ngân hàng Trung ương khác trên thế giới có thể quản lý bằng cách mình là người mua bán cuối cùng trên thị trường vàng để dự trữ, thậm chí bán vàng ra để cân bằng thị trường. Xin nhấn mạnh, nền kinh tế chỉ bị USD hóa hay vàng hóa là khi, các ngân hàng huy động tiết kiệm bằng vàng và cho vay bằng vàng. Giống như việc gửi tiết kiệm bằng USD, cho vay bằng USD. Vì khi USD hay vàng được ngân hàng huy động, trả lãi, cho vay… thì vàng và USD được quay nhiều vòng thì mới thành vàng hoá, USD hóa được.
Còn mua bán vàng như một tài sản chỉ là giữ tiền mà thôi.
Xin cảm ơn ông.
TS Trương Văn Phước – nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia:
Đầu tư vàng, không phải ai cũng lãi
TS Phước cho biết: Fed hiện vẫn tục duy trì mức lãi suất cao, và chưa chính thức cắt giảm lãi suất khi mức độ lạm phát vẫn chưa giảm nên đồng USD tăng. Nhưng vài ba tháng nữa, dấu hiệu lạm phát xuống thấp, có thể Fed sẽ hạ lãi suất và khi đó đồng USD sẽ giảm.
Với thị trường Việt Nam, ngoài các yếu tố chung tác động lên thị trường ngoại hối, chẳng hạn như nhập khẩu 2 tháng đầu năm tăng… còn có yếu tố tâm lý thị trường, tâm lý đám đông làm giá USD tăng.
Theo quan sát và dự báo đồng USD năm 2024 cũng chỉ tăng khoảng 3% so VNĐ giống mọi năm. Vì thế giá USD tăng theo tôi cũng là xu hướng chung chứ không hẳn là đột biến. Tỷ giá luôn neo quanh mức lạm phát và năm nay lạm phát được dự báo ở mức khoảng 4%. Nên mặc dù xu hướng mất giá của đồng Việt Nam vì lạm phát là có nhưng không lớn. Thông thường người ta sẽ lấy lạm phát làm con số so sánh và lãi suất bao giờ cũng phải cao hơn lạm phát. Nên về tỷ giá, nắm giữ VNĐ vẫn có lợi hơn.
Riêng với thị trường vàng lại là câu chuyện khác vì vàng chịu ảnh hưởng bởi tình hình xung đột quân sự trên thế giới, kinh tế thế giới… nên giá tăng và biến động. Nhưng cơ hội lớn thì rủi ro cao. Vàng có lúc tăng vọt và cũng có lúc giảm chứ không phải ngày nào cũng lên. Vì vậy người mua vàng đầu tư phải cẩn trọng.