Căng thẳng giữa Israel và nhóm vũ trang Hezbollah được Iran hậu thuẫn ở Lebanon đã lên đến đỉnh điểm. Đạn đã lên nòng, hai bên tuyên bố sẵn sàng cho một cuộc chiến lớn. Người dân Lebanon và người nước ngoài đang rời khỏi đất nước trước nguy cơ xung đột toàn diện giữa Israel và Hezbollah.
Cuộc đối đầu có nguy cơ lôi kéo nhiều bên tham gia tạo ra một chảo lửa bao trùm toàn bộ khu vực Trung Đông.
Nguy cơ bùng nổ chiến tranh
lớn hơn bao giờ hết
Gần đây, căng thẳng giữa Israel và Hezbollah leo thang nghiêm trọng, lo ngại ngày càng tăng về khả năng bùng nổ một cuộc chiến tranh quy mô lớn lan rộng ra toàn khu vực.
Nguy cơ chiến tranh giữa Israel và Hezbollah đang cận kề. Cả hai bên đang ráo riết chuẩn bị cho một cuộc đối đầu rộng lớn. Israel tuyên bố đang bước vào giai đoạn cuối cùng của chiến dịch quân sự ở Dải Gaza để chuyển trọng tâm sang mặt trận Lebanon nhằm tiêu diệt Hezbollah.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố, các tướng lĩnh quân đội đã thẩm định và phê duyệt “kế hoạch tác chiến chuẩn bị tấn công Hezbollah tại Lebanon, đồng thời đang tiến hành tổng động viên 200-300 nghìn quân cho kế hoạch này.”
Quân đội Israel bắt đầu chuyển quân đến biên giới Lebanon.
Trong khi đó, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah tuyên bố “sẽ không nơi nào ở Israel được an toàn. Lực lượng này sẽ phát động một cuộc chiến “không kiềm chế, không quy tắc và không giới hạn” nếu Israel mở chiến dịch tấn công lớn vào Lebanon.
Tình báo Mỹ cho biết, quân đội Israel và Hezbollah đã lên kế hoạch tác chiến và đang trong quá trình chuẩn bị và mua thêm vũ khí và nguy cơ bùng nổ chiến tranh đang cao hơn bao giờ hết. Một cuộc đối đầu quy mô lớn giữa Israel và Hezbollah sẽ nổ ra trong vài tuần tới nếu Israel và Hamas không đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.
Mỹ đang điều động các tàu tấn công và vận tải đổ bộ của hải quân Mỹ đến gần Israel và Lebanon, trong đó có tàu tấn công (ARG) Wasp và đơn vị viễn chinh thủy quân lục chiến số 24 (MEU) đã di chuyển vào Địa Trung Hải để yểm trợ cho Israel nếu chiến tranh xảy ra.
Nhiều nước, trong đó có Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Canada, Australia, Tây Ban Nha, Ả Rập Saudi, Kuwait… khuyến cáo công dân của họ không đến Lebanon và chuẩn bị kế hoạch sơ tán hàng chục nghìn người khỏi Lebanon.
Hezbollah là ai?
Hezbollah có nghĩa là “Đảng của Thánh Allah”. Hezbollah là một tổ chức chính trị, vũ trang của người Lebanon theo đạo Hồi dòng Shia được thành lập năm 1982 trên cơ sở tập hợp ba tổ chức của người Hồi giáo dòng Shia ở Lebanon gồm Phong trào Hồi giáo Amal, tổ chức Daw’ah và tổ chức Uleman, nhằm chống lại cuộc tấn công của Israel vào Lebanon lúc đó nhằm vào Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Hezbollah được Iran và Syria hỗ trợ về tài chính và quân sự.
Hezbollah được xem như kẻ thù không đội trời chung của Israel. Mỹ và phương Tây coi Hezbollah là khủng bố, nhưng nhiều nước khác coi Hezbollah là phong trào kháng chiến.
Hezbollah là một lực lượng có ảnh hưởng lớn hoạt động hợp pháp tại Lebanon, là một bộ phận trong chính quyền Lebanon, được mệnh danh là nhà nước trong nhà nước, quân đội trong quân đội.
Tại cuộc bầu cử Quốc hội Lebanon tháng 5/2018, Hezbollah và các đồng minh đã giành được đa số 71/128 ghế. Trong bầu cử Quốc hội năm 2022 số ghế của Hezbollah và các đồng minh có giảm, nhưng vẫn giành được 55/128 ghế, chiếm đa số.
Hezbollah có một số ghế trong chính phủ, có lực lượng vũ trang riêng mạnh hơn cả quân đội Lebanon, có đài phát thanh, truyền hình, cơ quan báo chí riêng.
Sức mạnh quân sự của Hezbollah
Hezbollah có khoảng 100 – 120 nghìn quân, được trang bị các loại vũ khí hiện đại, là lực lượng phi nhà nước mạnh nhất thế giới, mạnh hơn cả quân đội chính quy Lebanon.
Theo số liệu công khai, Hezbollah sở hữu 120.000 đến 150.000 tên lửa các loại, nhiều hơn hầu hết các quốc gia khác ở Trung Đông. Hầu hết các tên lửa này đều có tầm bắn từ 12 đến 22 km.
Ngoài ra, Hezbollah còn có tên lửa Fajr do Iran cải tiến từ tên lửa Katyusha của Nga có tầm bắn từ 35 đến 75 km, tên lửa Raad do Iran sản xuất mô phỏng tên lửa Frog-7 của Nga tầm bắn lên tới 70 km, tên lửa Zelzal do Iran sản xuất có thể mang đầu đạn nổ từ 400 đến 600 kg và tầm bắn từ 150 đến 200 km.
Hezbollah cũng có tên lửa chống tăng Sagger AT-3, Spigot AT-4 do Nga sản xuất và tên lửa Tow do phương Tây sản xuất, tất cả đều là loại có công nghệ cao và tiên tiến. Họ có cả tên lửa chống hạm C-802 do Iran sản xuất theo công nghệ Trung Quốc, có tầm bắn lên tới 100 km và được dẫn đường bằng radar, tên lửa phòng không đất đối không giống tên lửa SAM-7 của Nga. Những tên lửa này có thể được mang trên vai và có khả năng tự dẫn đường.
Đặc biệt, Hezbollah sở hữu một số lượng máy bay không người lái hiện đại Mohajer-4 và Al-Marsad-1 do Iran sản xuẩt, có thể mang theo ba camera, một radar kỹ thuật số và hệ thống truyền dẫn điện tử và bay ở độ cao hơn 6 nghìn feet, tốc độ tối đa đạt khoảng 120 km/giờ
Ngoài vũ khí do Iran và Syria cung cấp, Hezbollah còn tự sản xuất được nhiều loại vũ khí khác nhau và xây dựng được một hệ thống đường hầm kiên cố ở miền nam Lebanon.
Ngày 3/7/2024, mạng tin tức MSNBC của Mỹ đã đưa ra một báo cáo chi tiết về sức mạnh của Hezbollah. Báo cáo cho biết, Hezbollah hiện nay mạnh hơn, đông đảo hơn, được trang bị vũ khí tốt hơn, giàu kinh nghiệm chiến đấu hơn và vị thế chính trị cao hơn so với cuộc chiến với Israel năm 2006.
Theo MSNBC, Hezbollah không còn là nhóm vũ trang nữa mà trở thành một quân đội sở hữu tới 200.000 tên lửa nhiều tầm bắn khác nhau, nhiều tên lửa có thể vươn tới bất kỳ điểm nào trong lãnh thổ Israel. Điều này có nghĩa là trong trường hợp xảy ra chiến tranh, các cơ sở hạ tầng dân sự, sân bay, bến cảng và mạng lưới điện của Israel có thể trở thành mục tiêu. Hàng triệu người Israel sẽ phải sống trong những nơi trú ẩn, các thành phố lớn từ Tel Aviv đến Haifa sẽ phải đối mặt với loạt mưa tên lửa, hệ thống Vòm sắt (Iron Dome) khó có thể chống đỡ.
Hậu quả cuộc chiến Israel – Hezbollah
Một cuộc chiến tổng lực giữa Tel Aviv với lực lượng Hezbollah có thể gây hậu quả khôn lường cho cả Lebanon và Israel.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói: “Bất kỳ cuộc chiến nào giữa Israel và Hezbollah đều có thể dễ dàng biến thành một cuộc chiến tranh toàn diện với những hậu quả thảm khốc cho toàn bộ Trung Đông.”
Lebanon đang phải gồng mình đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế. Về chính trị, mặc dù nhiệm kỳ của Tổng thống Michel Aoun đã kết thúc vào cuối tháng 10/2022, do chia rẽ nội bộ vẫn chưa bầu được Tổng thống mới.
Trong tình hình như vậy, chiến tranh xảy ra sẽ là một thảm họa đối với kinh tế, an ninh và chính trị của Lebanon. Các nhà quan sát chính trị cho rằng tổn thất sẽ rất thảm khốc, không dưới 10 tỷ USD.
Sự bùng nổ của một cuộc chiến tranh toàn diện với phong trào Hezbollah cũng đe dọa tới sự tồn tại, nền kinh tế cũng như sự ổn định chính trị xã hội của Israel. Điều này được cựu Cục trưởng cục tình báo và hoạt động đặc biệt thuộc Cơ quan tình báo nước ngoài của Israel (Mossad), Chaim Tomer, gần đây công bố trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Israel Hayom.
Tomer nói: “Hezbollah có thể gây ra mối đe dọa mà chúng tôi thậm chí không thể tưởng tượng được và quân đội Israel sẽ không thể đáp trả được điều đó”.
Ông nói, Israel gần như cạn kiệt kho vũ khí trong cuộc đối đầu với Hamas ở Gaza, nếu chiến tranh nổ ra, sân bay Ben Gurion và cảng biển Haifa, các cơ sở hạ tầng sẽ bị phá hủy. Điều này sẽ làm tê liệt Israel trong vài tuần. Ngoài ra, hầu hết các thành phố phía bắc Thủ đô sẽ bị tàn phá.
Cựu lãnh đạo Mossad lưu ý rằng, cuộc chiến tổng lực tại Gaza Israel đã huy động mọi nguồn lực, với ưu thế quân sự tuyệt đối, 9 tháng đã qua Israel đã không tiêu diệt được Hamas thì khó có thể đè bẹp được Hezbollah có sức mạnh gấp nhiều lần Hamas.
Bất kỳ cuộc chiến nào với Hezbollah đều làm tăng nguy cơ Iran và các nhóm vũ trang ở Syria, Iraq và Yemen can dự trực tiếp. Các căn cứ của Mỹ ở Iraq, Syria, Jordan… cũng chắc chắn sẽ trở thành mục tiêu. Cuộc chiến sẽ không còn bó gọn giữa Israel và Hezbollah nữa, chảo lửa Trung Đông sẽ lan rộng ra toàn bộ khu vực.
Quyền Ngoại trưởng Iran Bagheri Kani thề: “Lebanon sẽ là địa ngục đối với những người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái”.
Các bên đang tìm cách tháo gỡ ngòi nổ
Mỹ đang cố gắng thuyết phục cả hai bên ngừng leo thang. Tổng thống Joe Biden đã cử đặc phái viên tới Lebanon và Israel để thuyết phục hai bên kiềm chế nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tổng lực. Tuy nhiên, Hezbollah vẫn nhất quyết sẽ tiếp tục tấn công nếu Israel không chấp nhận ngừng bắn vĩnh viễn ở Gaza. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Netanyahu vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc chiến ở Gaza đến khi Hamas bị tiêu diệt hoàn toàn.
Mỹ cũng đang gây sức ép đối với Israel để ngăn chặn các hành động phiêu lưu của Tel Aviv. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Charles Brown cho biết khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel Gallant đến Washington: “Không có khả năng Mỹ có thể giúp Israel tự vệ trong một cuộc chiến rộng lớn hơn với Hezbollah.”
Hiện nay, các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Israel và Hamas vẫn đang diễn ra. Những cố gắng ngoại giao của Mỹ, Pháp, Qatar và Ai Cập là yếu tố duy nhất có thể giúp ngăn chặn một cuộc chiến toàn diện. Việc đạt được thoả thuận ngừng bắn tại Gaza giữa Israel và Hamas sẽ tháo được ngòi nổ cho cuộc chiến Israel – Hezbollah.
Đại sứ Mỹ tại Lebanon Lisa Johnson đã kêu gọi sớm giải quyết các cuộc xung đột ở Gaza và miền Nam Lebanon bằng ngoại giao, đồng thời thông báo rằng Washington đang cố gắng ngăn chặn tình hình leo thang.
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres tuyên bố: “Các dân tộc trong khu vực và các dân tộc trên thế giới không thể cho phép Lebanon trở thành một Gaza thứ hai.”
Trước sức ép của dư luận, Israel đang phải tính khả năng thoả thuận với Hamas về ngừng bắn ở Gaza để tránh một cuộc đụng đầu trực tiếp với Hezbollah ở Lebanon. Dù mạnh đến đâu, Israel cũng không thể cùng một lúc chiến đấu trên hai mặt trận. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố: “Chính phủ Israel đang chuẩn bị cho mọi kịch bản, nhưng vẫn ưu tiên giải pháp ngoại giao để giải quyết căng thẳng ở biên giới Israel – Lebanon.”