Chị Lan, 30 tuổi, là nhân viên văn phòng ở Hà Nội. Từ khi bước vào tuổi dậy thì, chị đã phải đối mặt với tình trạng đổ mồ hôi nhiều. Ban đầu, chị Lan nghĩ đó là chuyện bình thường, nhưng tình trạng ngày càng tệ hơn. “Mỗi khi vào mùa hè, áo quần tôi lúc nào cũng ướt sũng, đặc biệt là ở vùng nách và lưng”, chị Lan nói.
Mỗi ngày đi làm là một thử thách đối với chị. Mặc dù văn phòng có máy lạnh nhưng mồ hôi vẫn tuôn ra không ngừng. Chị Lan đã thử nhiều cách, từ dùng lăn khử mùi đến uống thuốc nhưng không gì có thể giúp chị giảm tiết mồ hôi hoàn toàn. Trong khi đó, công việc lại yêu cầu chị phải tham gia nhiều cuộc họp và gặp gỡ khách hàng, điều này khiến chị cảm thấy tự ti, lo lắng, nhất là vào thời tiết mùa hè nóng nực.
Không chỉ ảnh hưởng đến công việc, tình trạng mồ hôi nhiều còn khiến chị Lan gặp khó khăn trong đời sống cá nhân. “Mỗi khi đi chơi hay hẹn hò, tôi luôn phải chuẩn bị sẵn áo dự phòng và khăn lau mồ hôi. Bạn trai tôi đã rất thông cảm, nhưng tôi vẫn cảm thấy mình như một gánh nặng, ” chị tâm sự.
Anh Minh, 28 tuổi, là một kỹ sư xây dựng tại TP.HCM. Khác với chị Lan, anh Minh phải sống chung với tình trạng mồ hôi nhiều từ khi còn nhỏ. “Tôi nhớ hồi còn đi học, bạn bè thường chọc ghẹo vì áo tôi lúc nào cũng ướt đẫm. Điều đó khiến tôi rất ngại ngùng và luôn muốn tránh xa đám đông “, anh Minh kể lại.
Khi trưởng thành, anh Minh nhận ra tình trạng này không chỉ là vấn đề nhỏ. Công việc của anh yêu cầu phải làm việc ngoài trời nhiều và mồ hôi tuôn ra không kiểm soát khiến anh gặp khó khăn lớn. “Có những ngày nắng nóng, mồ hôi chảy thành dòng, làm ảnh hưởng đến cả công việc và sức khỏe của tôi, ” anh nói và cho biết, mồ hôi kết hợp với khói bụi ngoài đường khiến cơ thể anh bốc mùi khó chịu, hai tay lúc nào cũng bóng nhẫy như bôi dầu nhớt. ” Tôi rất ái ngại khi đứng gần hay bắt tay khách hàng “, anh nói.
Anh Minh thử nhiều biện pháp, từ các loại thuốc uống, kem bôi, cho đến phương pháp chữa trị bằng laser, nhưng hiệu quả không bền vững. Anh từng nghĩ đến việc phẫu thuật nhưng chi phí quá đắt đỏ và cũng lo lắng về rủi ro. Điều này khiến anh cảm thấy bất lực và đôi khi tuyệt vọng.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội da liễu Việt Nam, tình trạng mồ hôi nhiều hay còn gọi là tăng tiết mồ hôi (hyperhidrosis) là vấn đề không hiếm gặp. Đây là tình trạng tăng tiết mồ hôi quá mức do hệ thần kinh giao cảm hoạt động mạnh, thường xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, nách và mặt. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người mắc, gây trở ngại trong học tập, lao động và giao tiếp.
TS.BS Ngô Gia Khánh, Trưởng khoa phẫu thuật lồng ngực – mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, tỷ lệ mắc bệnh tăng tiết mồ hôi khoảng 1% dân số. Bệnh không có tính di truyền nhưng có yếu tố gia đình (25-33%) và thường gặp ở người trẻ.
Có 4 tiêu chí đưa ra để đánh giá mức độ tăng tiết mồ hôi: Mức độ 1 là không hoặc nhẹ, chất lượng cuộc sống bình thường. Mức độ 2 là ướt, gây khó chịu. Mức độ 3 là đẫm nước, suy nhược. Mức độ 4 là nước nhỏ giọt, đây thực sự là nỗi sợ hãi
Bác sĩ Khánh cho biết, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị khi tình trạng tăng tiết mồ hôi trở nên trầm trọng, gây cản trở công việc và sinh hoạt. Phương pháp phẫu thuật được khuyến nghị khi các biện pháp khác không hiệu quả. Phẫu thuật nội soi là một trong những phương pháp phổ biến, thời gian phẫu thuật kéo dài khoảng 30 phút.
Vị bác sĩ cho hay, phẫu thuật dù nhỏ nhưng vẫn có nguy cơ biến chứng như chảy máu, nhiễm trùng vết mổ, rò khí, tràn khí màng phổi và nhịp tim chậm. Một biến chứng thường gặp là tăng tiết mồ hôi bù trừ, xảy ra ở 60% người bệnh sau cắt hạch giao cảm, khi mồ hôi tăng tiết tại các vị trí khác như nách, thân mình, mông. Tình trạng này sẽ giảm dần sau vài tháng.