Theo Reuters , các nước thành viên NATO chuẩn bị đưa ra cam kết công nghiệp quốc phòng đầu tiên tại hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra ở Mỹ. Thỏa thuận này thúc đẩy các nước tăng cường sản xuất vũ khí và quay trở lại tiêu chuẩn hóa đạn dược chặt chẽ hơn để đảm bảo đạn pháo có thể tương thích trên mọi chiến trường.
“Ukraine đã chứng minh rằng tiêu chuẩn hóa của chúng tôi tốt trên lý thuyết nhưng lại không tốt trên thực tế” , một quan chức NATO giấu tên cho biết.
Quan chức này cũng đề cập đến các loại đạn dược như đạn pháo 155 mm của NATO đang thiếu hụt trên toàn cầu trong bối cảnh nhu cầu tăng cao do xung đột ở Ukraine.
Trong khi NATO áp dụng các tiêu chuẩn chung đối với các loại đạn dành cho súng bộ binh, nhưng các loại đạn cối và pháo lại sử dụng tiêu chuẩn riêng ở mỗi nước.
Mặc dù NATO có tiêu chuẩn về đạn pháo nhưng thực hiện tiêu chuẩn này chỉ mang tính tự nguyện và việc thiếu tuân thủ đã làm phân mảnh thị trường và cản trở dòng cung ứng đạn dược trong liên minh.
Hiện tại có đến 14 quốc gia NATO vẫn giữ quyền thay đổi tiêu chuẩn đạn 155 mm, nghĩa là có nhiều loại đạn khác nhau.
Theo các chuyên gia pháo binh, các loại đạn khác nhau vẫn có thể được sử dụng trong tất cả các loại lựu pháo nhưng người vận hành cần nhập thông số kỹ thuật của đạn khi nạp vào vũ khí, nếu không sẽ có nguy cơ trượt mục tiêu tới 50 mét hoặc 60 mét..
Các thông số kỹ thuật được đăng ký trong các hướng dẫn dành cho kíp vận hành nhưng đôi khi các nhà thầu quốc phòng lại không cung cấp tất cả dữ liệu cần thiết. Đây cũng là điều mà NATO muốn thay đổi.
NATO cũng hướng đến các tiêu chuẩn đạn dược chung chung hơn, có nghĩa là các dữ liệu và thông số đơn giản hơn.
“Trong một tương lai gần khi NATO sử dụng chung một loại đạn tiêu chuẩn, nơi mọi đồng minh đều sản xuất ra cùng một loại đạn thì việc tác chiến sẽ đơn giản hơn nhiều đối với các chỉ huy quân sự” , một quan chức NATO cho biết.
Về mặt cung ứng việc sử dụng chung một tiêu chuẩn đạn dược sẽ cho phép luân chuyển lập tức các kho đạn dược giữa các nước trong liên minh. Theo đó mọi khẩu pháo của NATO đều bắn chung một loại đạn.
Tuy nhiên, NATO có thể gặp phải sự phản đối từ các nhà sản xuất đạn dược vì động thái này có thể làm tăng tính cạnh tranh và giảm lợi nhuận.
Nhằm mục đích thúc đẩy sản xuất vũ khí, đặc biệt là các loại “đạn dược quyết định chiến tranh” như đạn pháo và tên lửa phòng không, các nhà thầu quân sự của NATO đã nhất trí báo cáo hàng năm với NATO về cách họ dự định đáp ứng các mục tiêu phòng thủ của liên minh và cách họ đặt mục tiêu tăng sản lượng vũ khí.
Các nước phương Tây đang phải vật lộn để bổ sung kho vũ khí của mình kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Ngoài ra họ cũng cam kết tiếp tục cung cấp cho Ukraine những vũ khí rất cần thiết.
Các đồng minh NATO đã đẩy mạnh sản xuất đạn dược kể từ năm 2022, từ khoảng 100.000 quả đạn pháo trước chiến tranh lên khoảng hai triệu viên đạn trong năm nay và khoảng ba triệu viên đạn dự kiến vào năm 2025.