Thể hiện sự tự tin có thể sẽ là ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao trong sự kiện kéo dài nhiều ngày, được gọi là Lưỡng hội , khai mạc ngày 4/3.
Kỳ họp năm nay có ý nghĩa quan trọng, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang chịu tác động mạnh của cuộc khủng hoảng bất động sản , mức nợ của các chính quyền địa phương lớn, giảm phát, thị trường chứng khoán chao đảo , và cuộc chiến công nghệ với Mỹ.
Những trận gió ngược này đặt ra câu hỏi, rằng kinh tế Trung Quốc có mất động lực trước khi đạt được mục tiêu trở thành cường quốc phát triển toàn cầu hay không.
Kỳ họp lần này diễn ra sau 1 năm Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát COVID-19, nhưng nhiều người trẻ vẫn chật vật tìm việc làm, các nhà đầu tư thua lỗ trên thị trường và nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ chật vật tồn tại.
Các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư và doanh nhân trên khắp thế giới sẽ theo dõi sát sao sự kiện này, nhất là trong năm mà cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể khiến quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới căng thẳng hơn.
“Chính phủ muốn dùng diễn đàn này để gửi tín hiệu, rằng nền kinh tế Trung Quốc nói chung vẫn ổn và đang đi đúng hướng”, Chen Gang, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Đông Á thuộc ĐHQG Singapore, nhận định.
“Hiện, đang có nhiều hoài nghi… vì thế họ muốn thể hiện rằng chính phủ mới đủ khả năng xử lý các vấn đề kinh tế”, ông Chen nhận định.
Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc họp tại Đại lễ đường nhân dân, là dịp duy nhất trong năm mà gần 3.000 đại biểu gặp gỡ trực tiếp. Kỳ họp của Chính hiệp cũng diễn ra cùng thời điểm.
Hai kỳ họp là diễn đàn quan trọng để Chính phủ Trung Quốc đưa ra các chính sách kinh tế – xã hội và đối ngoại, đồng thời công bố những chỉ số chính của đất nước, bao gồm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, giới hạn thâm hụt ngân sách và chi tiêu quốc phòng trong năm nay.
Đây cũng là dịp để các lãnh đạo lắng nghe ý kiến từ đại biểu khắp cả nước và nhiều ngành nghề khác nhau.
Giới quan sát chú ý đến thông điệp mà các lãnh đạo Trung Quốc đưa ra về những vấn đề quan trọng, như đảo Đài Loan, quan hệ với Mỹ và nỗ lực đổi mới sáng tạo trong bối cảnh Washington siết chặt kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao.
“Có thể ông Tập sẽ đưa ra quan điểm ôn hòa hơn với Mỹ, tạm gác chính sách ngoại giao ‘ chiến binh sói ’, và chuyển hướng nỗ lực theo hướng đảm bảo sự ổn định cho nền kinh tế Trung Quốc”, ông Xuezhi Guo, giáo sư về khoa học chính trị tại Trường Cao đẳng Guilford ở Mỹ, nhận định.
Sự thay đổi quan điểm đó có thể thể hiện ở việc bổ nhiệm ngoại trưởng mới trong kỳ họp lần này. Các nhà phân tích cho rằng việc đó sẽ diễn ra trong vài ngày tới.
Vị trí đó đang tạm thời do ông Vương Nghị đảm nhận, sau khi ông Tần Cương bị cách chức hồi tháng 7/2023.