Tổng thống Ukraine mời Nga dự hội nghị thượng đỉnh hoà bình tiếp theo

Tổng thống Ukraine mời Nga dự hội nghị thượng đỉnh hoà bình tiếp theo- Ảnh 1.
Tổng thống Ukraine mời Nga dự hội nghị thượng đỉnh hoà bình tiếp theo- Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngỏ ý muốn mời Nga dự hội nghị hoà bình lần 2. Ảnh minh hoạ: Bloomberg

“Nếu hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ hai được lên kế hoạch chấm dứt chiến tranh và chúng ta cần nhiều quốc gia hơn, chúng tôi sẽ tổ chức và đại diện Nga phải có mặt. Ai thì chúng ta sẽ chờ xem”, Tổng thống Zelensky nói với trang tin Bloomberg News ngày 3/7.

Trước đó, trong hội nghị thượng đỉnh hoà bình đầu tiên tổ chức tại Thuỵ Sĩ vào tháng trước, phía ban tổ chức không mời Nga tham gia. Về phần mình, Nga cũng gọi hội nghị thượng đỉnh lần đó là “vô tác dụng” và khẳng định hoà bình không thể đạt được nếu không có sự hiện diện của hai bên.

Nhiều nhà phân tích đánh giá hội nghị thượng đỉnh hòa bình đầu tiên do Ukraine tổ chức là một nỗ lực của phương Tây nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine thay vì thực sự tìm ra dấu chấm hết cho chiến tranh.

Trong quá trình chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ, Điện Kremlin và Trung Quốc cũng kêu gọi các quốc gia khác không ủng hộ và tham gia. Hội nghị thượng đỉnh kết thúc với lời hứa mơ hồ về một hội nghị tiếp theo nhưng không có kế hoạch cụ thể.

Cũng trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Tổng thống Zelensky bác bỏ đề xuất hoà bình của người đồng cấp Putin, bao gồm yêu cầu Ukraine công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk (tự xưng) cũng như các khu vực Kherson và Zaporizhia là các khu vực của Nga. Tuy nhiên, ông cho rằng Mỹ và Trung Quốc có thể đóng vai trò trung gian.

Tuần này, các nguồn tin tình báo phương Tây cho biết các nhà máy Trung Quốc đang chế tạo thiết bị bay không người lái để gửi sang Nga.

Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Nga đã tăng lên kể từ chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu triển khai tại Ukraine vào năm 2022. Trong chuyến thăm Bắc Kinh mới đây, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb nói rằng Trung Quốc có thể kết thúc cuộc chiến này chỉ bằng “một cuộc điện thoại”.

Hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc cũng đã gặp nhau trong tuần này khi tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Astana, thủ đô của Kazakhstan.

Tại hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng các nước thành viên SCO cần hỗ trợ lẫn nhau, mặc dù ông không kêu gọi một hiệp ước quân sự.

Temur Umarov, một thành viên tại tổ chức tư vấn Trung tâm Carnegie, nói rằng vai trò then chốt của SCO là tạo nền tảng cho các nhà lãnh đạo gặp gỡ bên ngoài ảnh hưởng của phương Tây hơn là một liên minh chống phương Tây.