36 “con hổ” đã bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) – cơ quan chống tham nhũng hàng đầu Trung Quốc – bắt giữ trong nửa đầu năm nay, lập ra kỷ lục mới trong thời gian 6 tháng của chiến dịch chống tham nhũng được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động.
Theo thống kê của tờ South China Morning Post (SCMP), việc Trung Quốc bắt giữ 36 quan chức cấp cao, trong đó thấp nhất là cấp thứ trưởng, nhiều hơn so với 22 người bị điều tra cùng thời điểm năm ngoái – từng là con số kỷ lục trong vòng nửa năm vào thời điểm đó.
CCDI đã công bố 45 cuộc điều tra nhằm vào các quan chức cấp cao vào năm ngoái; nhưng hai người nữa đã được thêm vào tổng số đó với thông báo vào tháng 6 năm nay rằng các cựu Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc và Ngụy Phượng Hòa đã bị điều tra vào năm 2023.
Tất cả những “con hổ” – như CCDI gọi họ – đều thuộc về một nhóm quan chức Trung Quốc được gọi là “cán bộ thuộc diện trung ương quản lý”, nghĩa là họ có cấp bậc từ thứ trưởng trở lên. Một số ít hơn giữ chức vụ thấp hơn một chút nhưng lại nắm giữ những vị trí chủ chốt trong các lĩnh vực quan trọng.
Theo SCMP, 8 trong số 36 người bị bắt giữ trong nửa đầu năm 2024 giữ các chức vụ trong các cơ quan trung ương đảng và nhà nước Trung Quốc, trong khi 20 người trong số họ là quan chức chính quyền hoặc tổ chức đảng địa phương. Việc này cho thấy CCDI đã mở rộng phạm vi điều tra.
‘Trong kỷ nguyên của ông Tập, không ai có thể thoát’
Những vụ án lớn nhất liên quan đến cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc Đường Nhân Kiệt; cựu Bộ trưởng Tư pháp Đường Nhất Quân; cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao Quốc gia Trung Quốc Cẩu Trọng Văn – người từng được ghi nhận công lao vì đã mang lại thành công cho Trung Quốc tại Thế vận hội; cựu Phó ban Tuyên giáo Trung ương Trung Quốc Trương Kiến Xuân; và cựu Cục trưởng Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc Chung Tự Nhiên.
Những người bị mất chức đáng chú ý nhất trong số 20 quan chức địa phương là cựu Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Tây Tạng Ngô Anh Kiệt; Phó tỉnh trưởng tỉnh Cam Túc Dương Tử Hưng; và người đồng cấp của ông Dương ở tỉnh Vân Nam, Lý Thạch Tòng.
Lý Thạch Tòng là ủy viên dự khuyết đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương (BCHTW) khóa 20 hiện tại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – trúng cử vào năm 2022 – bị vướng vào một cuộc điều tra tham nhũng. CCDI tuyên bố bắt giữ Lý vào ngày 25/6/2024, chỉ ba tuần trước khi Hội nghị toàn thể lần thứ 3 BCHTW ĐCSTQ khóa 20 khai mạc vào ngày 15/7 tới đây.
Theo SCMP, hội nghị toàn thể lần này có thể sẽ thông qua quyết định bãi miễn ba ủy viên chính thức của BCHTW ĐCSTQ đang bị điều tra, đó là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc, cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Đường Nhân Kiệt và cựu Tư lệnh Quân chủng Tên lửa Lý Ngọc Siêu.
Ngoài ủy viên BCHTW ĐCSTQ, những tên tuổi lớn khác bị CCDI nhắm tới trong sáu tháng đầu năm nay bao gồm hai quan chức an ninh nổi tiếng. Lưu Dược Tiến – cựu quan chức chống khủng bố của Bộ Công an Trung Quốc, anh hùng chống ma túy nổi tiếng của nước này – đã bị điều tra vào tháng 3; và Lưu Chí Cường – cựu Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế thuộc Bộ Công an Trung Quốc và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc – bị điều tra vào tháng 4.
Việc Lưu Dược Tiến “ngã ngựa” đặc biệt gây sốc vì ông được biết đến là một trong những quan chức chống ma túy giỏi nhất của Trung Quốc, từng phá được nhiều vụ án phức tạp trước khi trở thành người đứng đầu Ủy ban Kiểm soát Ma túy Quốc gia Trung Quốc vào tháng 5/2015.
Lưu Dược Tiến cũng trở thành người đứng đầu cơ quan chống khủng bố đầu tiên của Trung Quốc vào tháng 12/2015, sau một loạt vụ tấn công trên khắp Trung Quốc.
Một nhà khoa học chính trị từ Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho biết, những cuộc điều tra này cho thấy những vinh quang trong quá khứ, chuyên môn xuất sắc hoặc các mối quan hệ chính trị không còn là “kim bài” để thương lượng với cơ quan giám sát kỷ luật nữa.
“Lưu Dược Tiến là một cảnh sát chống ma túy nổi tiếng. Cẩu Trọng Văn được ca ngợi là người đứng sau thành công của Thế vận hội Mùa đông Trung Quốc… Ngô Anh Kiệt của Tây Tạng từng tự hào về sự ổn định của Tây Tạng trong thời gian ông nắm quyền. Nhưng đội chống tham nhũng đã không để họ trốn đằng sau những vinh quang trong quá khứ”.
“Trong kỷ nguyên của ông Tập [Cận Bình], không ai có thể thoát. Các nhà điều tra không quan tâm đến những đóng góp trong quá khứ của các quan chức. Ở cấp bộ trưởng, không có đặc quyền miễn trừ”, nhà khoa học chính trị giấu tên nói.