Bờ kè tại hồ Động Đình được coi là “tuyến phòng thủ thứ hai” nằm cách đê bị vỡ khoảng 2 km và dài 14,3 km. Theo ông Chen Wenping, thanh tra địa phương, đây là nhiệm vụ khó khăn vì bờ kè không vững chắc như đê và không được dùng để chặn nước từ năm 1996.
Các phóng viên Tân Hoa Xã có mặt tại hiện trường đã quan sát thấy các nhân viên cứu hộ dọn dẹp chướng ngại vật dưới chân bờ kè và lực lượng chức năng ra sức hướng dẫn họ cách đặt bao cát.
Vụ vỡ đê xảy ra vào chiều 5/7 ở hồ Động Đình, ban đầu chỉ rộng khoảng 10 m nhưng sau đó đã lan rộng. Khu vực bị ảnh hưởng gần làng Tuanbei có diện tích khoảng 50 km2, nơi từng xảy ra vụ vỡ đê vào năm 1996.
Trung Quốc chạy đua với thời gian để cứu hộ đê hồ Động Đình bị vỡ (Ảnh: Xinhua)
Kể từ trưa 6/7, vết nứt đã khiến nước tràn vào nhiều hơn, gây nguy hiểm cho bờ kè. Các chuyên gia Trung Quốc cảnh báo, bờ kè có ý nghĩa quan trọng và phải được gia cố theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Tính đến 14h40 ngày 6/7, mực nước bên trong và bên ngoài vết nứt đã dâng cao, dòng nước chảy chậm lại. Ông Zhang Xuanzhuang, kỹ sư Công ty TNHH Cục Kỹ thuật số 1 Tập đoàn Anneng Trung Quốc, lưu ý rằng việc gia cố bờ kè dự kiến sẽ kéo dài 4 ngày.
Tính đến 22h ngày 5/7, 5.000 cư dân ở khu vực bị ảnh hưởng đã được di dời an toàn. Không có báo cáo chính thức về số người bị mắc kẹt hoặc thương vong. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ đạo huy động toàn lực cứu hộ để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân sau vụ vỡ đê.
Kể từ ngày 16/6, Hồ Nam chứng kiến lượng mưa lớn nhất trong năm, phá kỷ lục lịch sử ở một số khu vực.