Đại diện thường trực của Việt Nam bên cạnh UNESCO, Đại sứ Nguyễn Thị Vân Anh cho biết, đây là sự công nhận từ cộng đồng quốc tế đối với những nỗ lực xuất sắc của 2 thành phố trong việc thúc đẩy học tập suốt đời cho tất cả người dân. Đồng thời, đây cũng là một bước tiến cụ thể trong việc thực hiện chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước ta về hội nhập quốc tế, khuyến khích học hành và tài năng, xây dựng xã hội học tập, cũng như nâng cao chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực.
“Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO có sứ mệnh hỗ trợ và thúc đẩy thực hành học tập suốt đời ở các thành phố trên thế giới bằng cách khuyến khích đối thoại chính sách và học hỏi lẫn nhau giữa các thành viên, tạo liên kết, thúc đẩy quan hệ đối tác, xây dựng năng lực và phát triển các công cụ khuyến khích, đồng thời công nhận sự tiến bộ trong giáo dục. Hiện nay, Việt Nam đã có tổng cộng 5 thành phố được công nhận là thành viên của “Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu” bao gồm TP Sa Đéc (Đồng Tháp), TP Vinh (Nghệ An), TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), TP Hồ Chí Minh, TP Sơn La (Sơn La). Để trở thành thành viên của mạng lưới này, các thành phố phải cam kết tạo điều kiện cho mọi người dân có cơ hội học tập suốt đời. UNESCO thực hiện quá trình duyệt hồ sơ rất nghiêm ngặt, được đánh giá bởi các chuyên gia hàng đầu về giáo dục theo 42 tiêu chí thuộc 3 nhóm: lợi ích lâu dài, các yếu tố chính và điều kiện cơ bản để xây dựng thành phố học tập.
Tham gia “Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu” sẽ giúp cho các thành phố và người dân có điều kiện thuận lợi hơn trong việc trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm thông qua một mạng lưới năng động gồm 356 thành phố trên toàn thế giới. Các thành phố cũng được hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình phát triển thành phố học tập và được đề cử cho Giải thưởng thành phố học tập của UNESCO. Những điều này tạo ra cơ hội lớn cho các thành phố tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy mối quan hệ đối tác và mạng lưới kết nối của mình để nâng cao việc học tập suốt đời của người dân, cũng như tăng cường uy tín quốc tế và thu hút đầu tư, qua đó góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của địa phương và khu vực.