Ngoài thương mại và đầu tư, Trung Quốc đã đề nghị hỗ trợ các vấn đề về an ninh công cộng cho đối tác chiến lược lâu năm Hungary trong cuộc gặp hiếm hoi giữa Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Vương Tiểu Hồng và Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Reuters dẫn nguồn Tân Hoa Xã ngày 19/2 cho biết.
Trao đổi với Thủ tướng Orban, ông Vương nhấn mạnh: Trung Quốc hy vọng có thể tăng cường mối quan hệ an ninh và thực thi pháp luật với Hungary nhân dịp hai nước kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao.
Trong chuyến công du tới Budapest tuần qua, ông Vương cho biết, ông hy vọng những nỗ lực trên sẽ là “điểm nhấn mới trong quan hệ song phương” ở những lĩnh vực như chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia.
Những nỗ lực này cũng bao gồm cả việc xây dựng năng lực thực thi pháp luật và an ninh dưới Sáng kiến Vành đai, Con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo thông cáo do phía Trung Quốc đưa ra hôm 18/2, ông Vương nói với ông Orban rằng, Hungary là “một người bạn, một người đồng hành tốt đã được minh chứng qua thời gian”.
Theo Tân Hoa Xã, ông Vương cũng có cuộc gặp với Bộ trưởng Nội vụ Hungary Sandor Pinter và ký kết một số văn bản liên quan tới hợp tác an ninh và thực thi pháp luật.
Đề xuất đảm bảo an ninh được Bắc Kinh đưa ra trong bối cảnh NATO đang chật vật mở rộng mạng lưới của mình ở châu Âu.
Thắng lợi ngoại giao của Trung Quốc
Reuters cho rằng, Hungary, vốn là một thành viên NATO, đã nỗ lực giảm phụ thuộc vào các nước phương Tây trong thập kỷ qua, dưới thời của ông Orban. Mới đây, nước này đã có động thái kháng cự trước áp lực mở rộng khối của NATO ở châu Âu. Hungary là quốc gia thành viên NATO duy nhất chưa phê chuẩn đơn gia nhập của Thụy Điển.
Trung Quốc vốn giữ quan điểm chỉ trích đối với NATO, đặc biệt là sau khi khối này cho rằng Bắc Kinh thách thức lợi ích, an ninh và giá trị của NATO bằng các tham vọng và chính sách của mình.
Theo đánh giá của Reuters, một hiệp ước an ninh với Hungary đại diện cho chiến thắng ngoại giao của Trung Quốc ở Liên minh châu Âu (EU), trong khi khối này đang đánh giá mối quan hệ của mình với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xung quanh các khác biệt về nhân quyền, mất cân bằng thương mại và cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Bắc Kinh và Hungary vốn đã gây ra mâu thuẫn trên mặt trận tập thể của EU.
Hungary đã một vài lần đứng bên lề hoặc phản đối quan điểm chỉ trích Trung Quốc của EU về nhiều vấn đề. Nước này cũng hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc bất chấp việc EU kêu gọi các quốc gia thành viên giữ quan hệ với Bắc Kinh ở mức tương tự với các nước khác trong khối.
Hungary là nơi đặt cơ sở sản xuất và hậu cần lớn nhất ở nước ngoài của Huawei mặc dù Ủy ban Châu Âu cảnh báo rằng gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc gây rủi ro cho an ninh châu Âu. Hungary được nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD chọn làm nơi mở nhà máy đầu tiên tại châu Âu.
Đất nước Trung Âu này cũng là quốc gia đầu tiên thuộc EU ký biên bản ghi nhớ trong khuôn khổ Vành đai, Con đường với Bắc Kinh, liên quan tới tuyến đường sắt tốc độ cao nối thủ đô Hungary với thủ đô Serbia.