Ukraine có thể sẽ nhận được khoảng 800.000 quả đạn pháo trong vài tháng tới nhờ một thỏa thuận của Liên minh châu Âu (EU), một hợp đồng mua số lượng lớn đạn pháo do Séc dẫn đầu và một loạt thỏa thuận song phương giữa Kiev với các quốc gia đồng minh.
Nếu đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ cuối cùng đồng ý phê duyệt gói viện trợ bổ sung cho Ukraine trong tháng tới, rất có thể pháo binh Ukraine sẽ có hơn 1 triệu quả đạn vào khoảng cuối mùa xuân, đầu mùa hè năm nay.
Con số này vẫn chưa thể bắt kịp số lượng đạn pháo mà các công ty của Nga sản xuất được, nhưng như vậy là đủ để lực lượng vũ trang Ukraine ít nhất có thể giữ vững phòng tuyến trước lực lượng Nga và Kiev có thể bắt đầu lên kế hoạch cho một cuộc phản công mới.
Cơn khát đạn pháo của Ukraine
Trong một phát biểu tại Đức gần đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các nước phương Tây khẩn cấp cung cấp vũ khí và đạn dược cho Kiev. Chính tình trạng thiếu vũ khí và đạn pháo là nguyên nhân dẫn tới việc Ukraine buộc phải rút khỏi thành trì chiến lược Avdiivka.
Việc sở hữu nhiều đạn pháo chất lượng tốt hơn đối phương sẽ là yếu tố quyết định khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã bước sang năm thứ ba.
Sự ngang bằng với Nga về pháo binh, nhờ việc Mỹ mua 1 triệu quả đạn pháo của Hàn Quốc, đã cho phép Ukraine tiến hành cuộc phản công vào mùa hè năm 2023. Dòng viện trợ từ Mỹ bị dừng đột ngột và việc cắt giảm khoảng 100.000 quả đạn pháo vào mùa đông đã khiến Ukraine mất động lực chiến trường trong khi Nga giành thêm lãnh thổ.
Nga bắn khoảng 10.000 quả đạn mỗi ngày dọc theo chiến tuyến dài 1.000km. Trong khi Ukraine chỉ bắn 2.000 quả đạn pháo mỗi ngày.
Ukraine phần nào đã bù đắp tình trạng thiếu đạn dược bằng cách triển khai tới 50.000 máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (UAV FPV) mang chất nổ mỗi tháng trong vài tháng qua. Dù vậy, một chiếc UAV FPV không thể thay thế hoàn toàn cho một quả đạn pháo 155 mm. Mỗi chiếc UAV mang 0,5kg chất nổ thường chỉ có tầm hoạt động khoảng 3km trong khi một quả đạn pháo với lượng chất nổ hơn 10kg có thể bay có thể bay xa ít nhất 25km.
Với lợi thế về pháo binh, lực lượng Nga có thể triển khai tập trung các khẩu đội trên địa hình trống, bắn đạn liên tiếp để san bằng các công sự của Ukraine. Nếu có nhiều đạn pháo hơn, Ukraine có thể buộc Nga phải phân tán lực lượng pháo binh.
Việc đảng Cộng hòa đột ngột phong tỏa nguồn cung cấp đạn pháo có thể không ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch tác chiến của Ukraine nếu Liên minh châu Âu (EU) thực hiện được cam kết cung cấp cho Kiev 1 triệu quả đạn trong năm 2023.
Các quan chức Ukraine cho biết họ cần tối thiểu gần 200.000 quả đạn pháo mỗi tháng, nhưng theo một phân tích gần đây của Estonia, tổng sản lượng của châu Âu chỉ khoảng 50.000 quả một tháng và chỉ một số trong số đó hiện được chuyển đến Ukraine.
Mặc dù đã đẩy mạnh nỗ lực mở rộng sản xuất nhưng các nước thành viên EU mới chỉ chuyển được được 500.000 quả đạn pháo cho Ukraine vào năm ngoái.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi đầu tuần tuyên bố sau cuộc họp với các đồng minh của Ukraine ở Paris đã thừa nhận: “Thuốc súng đang thực sự khan hiếm. Chúng ta đều ý thức được nhu cầu bức thiết trước tình trạng khan hiếm một số nguyên liệu, đặc biệt là thuốc súng”.
Thuốc súng được dùng làm thuốc phóng để đẩy đạn pháo. Châu Âu có rất ít nhà sản xuất thuốc súng, theo Jean-Paul Maulny, phó giám đốc Viện Quan hệ Chiến lược Quốc tế (IRIS) của Pháp. Trong khi đó, ủy viên thị trường nội địa EU Thierry Breton cho hay EU đang gặp khó trong thu mua nguyên liệu thô phục vụ sản xuất thuốc súng.
Theo ông Breton, các công ty sản xuất nguyên liệu thay thế bột thuốc súng sẽ nằm trong danh sách nhận tài trợ theo Luật Hỗ trợ sản xuất đạn dược mà EU công bố tuần tới. Ông cũng dự đoán những việc mà EU đang làm để tăng sản lượng đạn pháo sẽ nâng sản lượng hàng năm của EU lên 1,5-1,7 triệu quả vào cuối năm nay, nhưng cũng ước tính sản lượng của Nga là “gần 2 triệu”.
800.000 quả đạn pháo từ các nước thứ ba
Theo các nguồn tin, hầu hết các quốc gia này không sẵn lòng hỗ trợ trực tiếp cho Ukraine vì lý do chính trị nên họ cần một bên trung gian. Cộng hòa Séc sẽ đóng vai trò trung gian đó nếu các đồng minh khác của Ukraine giúp trả tiền mua đạn pháo.
Hai tuần sau, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Hà Lan và khoảng 10 quốc gia khác đã cùng nhau huy động được hơn một nửa số tiền tài trợ, đủ cho khoảng 400.000 quả đạn pháo. Nếu huy động được số tiền còn lại, họ sẽ có 400.000 quả đạn pháo còn lại.
Đạn pháo do Séc làm trung gian cộng với đạn pháo mà EU cam kết cung cấp sẽ giúp Ukraine lấy lại tốc độ bắn khoảng 6.000 quả mỗi ngày đến mùa hè năm nay.
Nếu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson, thành viên cực hữu của đảng Cộng hòa, có thể phá vỡ thế bế tắc về gói viện trợ tiếp theo của Washington cho Ukraine, tốc độ bắn đạn pháo mỗi ngày của Kiev có thể lên tới gần 10.000 quả, ngang bằng với Nga.
Quân đội Mỹ đã tăng cường sản xuất đạn pháo tại các nhà máy ở Texas và Pennsylvania, hiện có thể sản xuất 36.000 quả mỗi tháng. Hầu hết trong số này có thể được chuyển đến Ukraine, nhưng chỉ khi Quốc hội Mỹ trả tiền cho họ.
Số lượng đạn pháo theo sáng kiến mà Séc làm trung gian và số lượng đạn pháo do EU sản xuất sẽ giúp Ukraine tiếp tục chiến đấu. Cộng thêm đạn pháo của Mỹ, có thể là hàng chục nghìn quả mỗi tháng, Ukraine thậm chí có thể tính đến việc quay trở lại tấn công.