Tuyệt học đỉnh cao được Kiều Phong thay đổi
Vũ trụ kiếm hiệp Kim Dung luôn ẩn chứa vô vàn bí ẩn về võ công, thu hút độc giả bởi những màn so tài đỉnh cao và những tuyệt kỹ thượng thừa. Trong đó, Hàng long thập bát chưởng công phu lừng danh, luôn là đề tài được bàn tán sôi nổi.
Hàng long thập bát chưởng còn được gọi là Giáng long thập bát chưởng trong những bản dịch cũ, là một trong những tuyệt học đỉnh cao trong tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung, xuất hiện “Thiên long bát bộ” và “Xạ điêu tam bộ khúc”. Đây là một trong hai tuyệt học trấn phái của Cái Bang, nổi danh cùng với những nhân vật anh hùng hiệp nghĩa.
Hàng long thập bát chưởng tương truyền do Bang Chủ đời thứ nhất của Cái Bang sáng tạo ra, cùng với Đả cẩu bổng pháp là hai môn tuyệt học trấn phái của Cái Bang từ xưa đến nay.
Trong những ấn bản mới nói rằng chưởng pháp này nguyên gốc có 28 chưởng được gọi là “Hàng long nhị thập bát chưởng”. Khi truyền đến đời của Kiều Phong, bởi vì cảm thấy 10 thức chưởng pháp sau cùng quá rườm rà, uy lực không sánh bằng 18 thức đầu nên đã được Kiều Phong lược bỏ, dung nhập vào 18 thức tạo thành Hàng long thập bát chưởng như hiện nay. Sau khi Kiều Phong hy sinh, Hư Trúc đã thay mặt truyền lại cho bang chủ đời sau, sau này truyền đến đời của Hồng Thất Công.
Vì sao Hồng Thất Công có Hàng long thập bát chưởng không thể đánh bại Vương Trùng Dương?
Trang tin Sohu (Trung Quốc) đã đặt ra câu hỏi, Kiều Phong với Hàng long thập bát chưởng có thể khiến Vô Danh thần tăng (hay còn gọi là Tảo Địa Tăng) bị đẩy lùi về sau một đoạn. Tảo Địa Tăng là nhân vật sở hữu võ công được cho là “vô địch” trong Thiên Long Bát Bộ. Vậy tại sao Hồng Thất Công với cũng luyện công phu này lại không thể thắng nổi Vương Trùng Dương?
Để lý giải cho những khúc mắc này, chúng ta cần có cái nhìn khách quan và đa chiều hơn về các tình tiết trong truyện. Trong trận chiến tại Tàng Kinh Các, Kiều Phong tung chưởng tấn công Vô Danh thần tăng nhằm mục đích cứu cha. Tuy nhiên, mục tiêu của Vô Danh thần tăng là muốn chế ngự Tiêu Viễn Sơn để hóa giải thù hận, do đó ông gần như không chống đỡ trước đòn tấn công của Kiều Phong. Chính vì vậy, Vô Danh thần tăng bị Kiều Phong đẩy lui không thể hiện việc võ công của ông không thể đỡ nổi chiêu Hàng long thập bát chưởng.
Trước đó, khi Kiều Phong dùng Hàng long thập bát chưởng tấn công Mộ Dung Phục, Vô Danh thần tăng đã dễ dàng hóa giải bằng cách chắp tay lại. Hành động này khiến chính Kiều Phong cũng phải thừa nhận nội công của Vô Danh thần tăng thâm hậu hơn mình rất nhiều. Mộ Dung Phục cũng có nhận định tương tự sau khi chứng kiến cảnh tượng này. Hắn cho rằng võ công của Vô Danh thần tăng ít nhất phải hơn mình đến mười lần.
Rõ ràng, uy lực của Hàng long thập bát chưởng là không thể phủ nhận, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc người sử dụng nó sẽ luôn giành chiến thắng. Yếu tố quyết định chính là nội lực của người sử dụng. Điển hình như trường hợp của Quách Tĩnh, lúc mới học Hàng long thập bát chưởng từ Hồng Thất Công, anh đã sử dụng nó để đối đầu với Âu Dương Khắc. Tuy nhiên, vì nội công chưa đủ nên Quách Tĩnh đã thất bại. Sau này, khi đã luyện thành thần công, Quách Tĩnh đã dùng chính Hàng long thập bát chưởng đánh bại Âu Dương Phong – người được xem là đệ nhất thiên hạ lúc bấy giờ.
Trở lại với câu hỏi tại sao Hồng Thất Công không thể thắng Vương Trùng Dương? Cần nhớ rằng, khi Vương Trùng Dương được vinh danh là Thiên hạ đệ nhất trong Hoa Sơn luận kiếm lần thứ nhất, Hồng Thất Công vẫn còn trẻ tuổi và chưa đạt đến cảnh giới võ công cao nhất. Khoảng cách tuổi tác và thời gian tôi luyện nội công chính là rào cản lớn nhất khiến Hồng Thất Công không thể vượt qua Vương Trùng Dương.
Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện võ công thuần túy, khoảng cách giữa Hồng Thất Công và Vương Trùng Dương không quá lớn. Bằng chứng là Vương Trùng Dương phải mất đến bảy ngày bảy đêm mới phân định được thắng bại với Hồng Thất Công cùng ba vị cao thủ khác.
Thậm chí, có ý kiến cho rằng nếu Quách Tĩnh ở tuổi ngoài ba mươi, thời điểm mà nội công và võ công đã đại thành, thì chưa chắc Vương Trùng Dương đã có thể chống đỡ được Hàng long thập bát chưởng của anh.
*Nguồn: Sohu, Sina