Đó là cuộc đời hẩm hiu, bi thương của thái giám ngày xưa.
“Vui như làng đẻ được ông Bộ”
Cho đến nay, tại nhiều vùng nông thôn Thừa Thiên Huế vẫn còn câu tục ngữ “Vui như làng đẻ được ông Bộ”. Theo đó, “ông Bộ” ở đây chính là những người con trai khiếm khuyết về giới tính, không có khả năng sinh con đẻ cái, sẽ được tuyển chọn để trở thành thái giám hoàng cung.
Theo sách “Lễ tết ăn chơi trong cung Nguyễn”, dưới thời Nguyễn, khi một gia đình nào sinh ra được “ông Bộ” phải khai báo với quan lại địa phương để họ báo với bộ Lễ. Từ đây, đứa trẻ sẽ được nuôi nấng theo nghi lễ hoàng cung, lớn lên được đưa vào Đại Nội làm thái giám. Làng nào sinh được “ông Bộ” sẽ được triều đình miễn thuế 3 năm liền.
Sau ngày vào cung, thái giám chủ yếu sống trong Tử Cấm Thành triều Nguyễn, một số ít được cử lên các lăng tẩm để hầu hạ những bà vương phi góa bụa.
Từ thời vua Minh Mạng, thái giám được chia thành 5 bậc gồm Thủ đẳng, Thứ đẳng, Trung đẳng, Á đẳng, Hạ đẳng với khoảng 60 người. Mỗi bậc được cấp tiền, gạo khác nhau.
Thời vua Duy Tân (1912) quy định lương của Thủ đẳng: Quảng vụ 540 đồng, Điền sự 384 đồng; Thứ đẳng: Kiếm sự và Phụng nghi 324 đồng; Trung đẳng: Thừa vụ 376 đồng, Điền thắng 264 đồng; Hạ đẳng 180 đồng.
Trang phục của thái giám được ấn định riêng, gồm lễ phục và thường phục. Lễ phục được may bằng lụa màu, dành cho thái giám có đẳng cấp cao, màu xanh da trời cho thái giám có đẳng cấp thấp. Trước ngực áo thêu hình bông hoa màu lục trên nền đỏ, mũ không có cánh chuồn. Thường phục của thái giám là áo khoác đen, quần trắng, đầu bít khăn đen.
Theo ghi chép của những người nước ngoài tới Huế bấy giờ, do cấu tạo cơ thể, sinh lý không bình thường, sống trong cung cấm, ít tiếp xúc ánh sáng mặt trời nên thái giám thường có nét mặt nhợt nhạt, vóc dáng mảnh mai, gầy guộc, giọng nói khao khao, điệu bộ rụt rè, tính tình nhút nhát.
Số thái giám phục dịch trong Đại Nội có khoảng 60 người. Một số thái giám được cắt cử lên hương khói các lăng tẩm. Mỗi lăng tẩm sẽ có 3 thái giám lo công việc tại đây.
Các bà phi mua chuộc thái giám
Dù có thân phận thấp kém, sống cuộc đời nô bộc nhưng một số thái giám nếu có đẳng cấp cao, được hoàng đế tin tưởng vẫn có quyền lực nhất định.
Các nữ quan hoàng cung đều làm việc dưới quyền của thái giám. Thậm chí, có nhiều bà phi phải mua chuộc, đút lót để lấy lòng thái giám.
Vốn là người sắp đặt, lo toan cuộc sống hàng ngày cho nhà vua, nên vào ban đêm, sau giờ vua làm việc, đọc sách, làm thơ, dự yến… thái giám sẽ đệ lên vua một cái khay đựng thẻ ghi tên những bà phi vua muốn gặp, ân sủng.
Sau khi vua chọn xong, thái giám có bổn phận mang tấm thẻ vua chọn đến treo trước cửa phòng và báo cho vị vương phi đó chuẩn bị tắm rửa, trang điểm, qua đêm hầu hạ nhà vua.
Dù việc chọn người do vua quyết định nhưng các thái giám vẫn có những mánh khóe để “buộc” vua chọn những bà phi theo ý họ. Chính từ đây làm nảy sinh quyền lực ngầm của thái giám. Bà nào muốn được vua ân sủng đều phải “qua cửa” của thái giám, nhiều bà đã đem vàng bạc, châu báu, vải vóc… đút lót cho thái giám để được gần gũi vua nhiều hơn, có cơ hội sinh hoàng tử, công chúa, nâng tầm địa vị bản thân. Còn những bà khinh thường thái giám, có thể cả đời không được biết đến mặt vua một lần.
Vốn là người thân cận với vua mỗi ngày, biết rõ đời tư của vua, có những thái giám đã củng cố quyền lực, dần dần sinh ra lộng quyền. Để khắc phục điều này, triều Nguyễn từ thời Minh Mạng chỉ sử dụng thái giám vào việc vặt chốn hậu cung, tuyệt đối không cho tham gia vào chính sự.
Đây là bài học nhà Nguyễn rút ra sau vụ án của Lê Văn Duyệt. Người này vốn xuất thân dưới trướng của vua Gia Long, có công lớn trong khôi phục vương triều, sau lại giữ chức Tổng trấn thành Gia Định. Lợi dụng quyền bính trong tay, Lê Văn Duyệt đã có nhiều quyết định trái ý vua, khiến Minh Mạng hết sức phẫn nộ nhưng chẳng làm gì được.
Ý thức được số phận hẩm hiu của mình, không có con cái nối dõi, một số thái giám trong cung triều Nguyễn đã nhận con nuôi, một số quyên góp tiền bạc, hiến ruộng đất, tư sửa chùa Từ Hiếu ở kinh thành Huế. Đây được xem như là ngôi chùa của thái giám, nơi thờ phụng họ sau khi qua đời.