Thời điểm này, các nhà giao dịch hàng hóa đang tranh giành nhau dữ liệu về thu hoạch đường ở Brazil hoặc số liệu về lượng mưa ở các vùng trồng lúa của Việt Nam – nhưng phần lớn đều bỏ qua những chỉ số tương ứng đối với trà – thức uống phổ biến thứ 2 trên thế giới sau nước.
Ở thị trường kỳ hạn, các nhà giao dịch đồng ý mua 1 loại hàng hóa ở mức giá trong tương lai, và do đó làm tăng rủi ro hoặc lợi nhuận của hàng hóa khi giao hàng, có thể khi đó ở mức thấp hoặc cao hơn mức giá họ đồng ý trả.
Tất nhiên, thị trường kỳ hạn có vai trò rất quan trọng với cả ngành nông nghiệp và tài chính – cho phép người nông dân đảm bảo được thu nhập ngay cả khi mùa màng kém trong khi nhà đầu tư có thể đa dạng hóa danh mục bằng các tài sản nghịch chu kỳ.
Kết quả là, thị trường kỳ hạn tồn tại đối với hầu hết mặt hàng thực phẩm, khoáng sản, gồm thép, vàng, cà phê, đường, nước cam, lúa mì. Nhưng trà thì không.
Để hiểu lý do vì sao, chúng ta phải đi sâu vào thế giới trà.
Trà, gồm tất cả các loại hoa, cỏ dại, trái cây và lá, ngâm nước nóng và nhấm nháp. Nhưng với tư cách là một loại hàng hóa, trà chỉ được định nghía là lá khô của cây Camellia sinensis, loại cây có nguồn gốc từ chè đen và chè xanh, không bao gồm các loại trà thảo dược.
Camellia sinensis là loại cây có thể phát triển trên khắp thế giới trong nhiều mùa, khí hậu và điều kiện khác nhau. Trung Quốc thống trị sản xuất trà xanh nhưng chè đen lại là cây trồng chính của Ấn Độ, Sri Lanka và một phần Trung Quốc. Mức tiêu thụ của cả 2 loại đều phổ biến khi trà đen và trà xanh đều được yêu thích trên toàn thế giới.
Trà càng phổ biến sau Covid-19 khi người dân quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn. Giờ đây, đến bất cứ quán café nào ở các nước phát triển, người ta đều có thể gọi một lý matcha hoặc chai latte . Các chuyên gia trong ngành dự đoán cả sản xuất và tiêu dùng sẽ tăng tốc trong 10 năm tới.
Điều này cũng đưa đến lý do đầu tiên cho việc không có thị trường trà kỳ hạn: đây là một loại cây trồng quá tốt.
Hãy nhìn vào một loại cây đối thủ là café. Nó mang tính chất mùa vụ, chỉ có một số vùng khí hậu mà cây café có thể phát triển và nông dân khó có thể dự đoán sản lượng hàng năm do không chắc chắn về lượng mưa, nhiệt độ và độ ẩm.
Chè không như vậy. Nó phát triển quanh năm, ở nhiều độ cao và khí hậu khác nhau. Do đó, nông dân có thể dễ dàng dự đoán sản lượng hàng năm. Ngay cả khi có những hiện tượng bất thường làm giảm năng suất, biến động chỉ tồn tại trong thời gian ngắn vì chè có thể được thu hoạch lại gần như ngay lập tức.
Lý do cốt lõi thứ 2 là tính biến đổi của nó.
Trà là 1 sản phẩm không chính thống. Có nhiều màu sắc và nhiều loại trà có thể được tạo ra bằng cách sử dụng cùng 1 loại lá. Nhưng để một sản phẩm kỳ hạn có thể tồn tại được, hàng hóa cần phải đồng nhất (ví dụ, không thể phân biệt lúa mì của Mỹ, Ukraine). Cà phê thực hiện điều này bằng cách phân thành 2 “tham chiếu” gồm Robusta và Arabica.
Mặc dù vậy, vẫn có nhiều lý do chính đáng để tạo ra thị trường trà kỳ hạn và nhiều người đều ủng hộ nó. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ thậm chí đã tổ chức các hội nghị thượng đỉnh và đưa ra báo cáo về khả năng mở rộng thị trường trong tương lai của chè Ấn Độ và Trung Quốc.
Một số thị trường đã cố gắng tiêu chuẩn hóa trà. Ở Ấn Độ, hầu hết nhà đóng gói đều yêu cầu trà phải được nghiền thành từng miếng đồng nhất để giảm thể tích túi trà, còn được gọi là trà CTC. Trà CTC (nghiền, xé, cuộn tròn) chiếm 90% thị trường chè Ấn Độ và 64% thị trường chè toàn cầu và hầu hết có thể thay thế cho nhau.
Ngay cả với một số loại trà thủ công, một số quốc gia đã tồn tại một hệ thống phân loại tiêu được tiêu chuẩn hóa như với mặt hàng khác. Tùy thuộc vào kích thước của lá và độ chín khi thu hoạch, trà ở Ấn Độ và Sri Lanka được phân loại theo thang điểm từ “bụi” đến “pekoe cam” cao cấp (có nghĩa là những chiếc lá to, đẹp).
Để một thị trường trà kỳ hạn xuất hiện, một số việc cần được làm. Các cuộc đấu giá, nơi các nhà sản xuất và đóng gói xác định giá chè đưa ra thị trường hàng ngày, cần phải được tiêu chuẩn hóa và minh bạch, thay vì thỏa thuận 1 lần giữa nông dân và nhà sản xuất.
Sau đó, cần phải có các hợp đồng lãi suất và tài chính dành cho nông dân – điều dường như cũng đã bắt đầu hình thành.
Cuối cùng, 1 bên trung gian cần thiết lập một sàn giao dịch và các nhà đầu tư có thể bắt đầu mua hợp đồng kỳ hạn.
Nhưng vẫn có 1 rào cản khác, mặc dù trà đang ngày càng phổ biến toàn cầu nhưng thị trường nội địa mới lại là động lực chính của các nhà sản xuất lớn.
Không giống cà phê đã có chuỗi cung ứng toàn cầu – trồng ở các nước đang phát triển, rang và tiêu thụ ở châu Âu, Bắc Mỹ, chè lại được tiêu thụ chủ yếu ở các thị trường nội địa: chỉ 37% chè được xuất khẩu so với 72% của cà phê rang. Các nước sản xuất lớn như Trung Quốc, Ấn ĐỘ, Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu phục vụ thị trường nội địa rộng lớn. Chỉ có Kenya, Sri Lanka và một số nước xuất khẩu phần lớn chè sang các nước phát triển.
Do đó, trà cần phổ biến hơn nữa ở các nước phát triển để hình thành một thị trường kỳ hạn.
Chè là mặt hàng Việt Nam có trữ lượng top 5 thế giới. Năm 2023, xuất khẩu chè Việt Nam đạt 121.000 tấn, trị giá 211 triệu USD, lần lượt giảm 17% và 11% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là năm có sản lượng xuất khẩu thấp nhất trong 7 năm.
Giá chè xuất khẩu bình quân năm ngoái đạt 1.737 USD một tấn, tăng hơn 7% so với năm 2022, nhưng mức giá này mới chỉ bằng 67% so giá chè xuất khẩu bình quân trên thế giới