– Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã tiết lộ hồi đầu tháng 6 rằng, nước ông đang chuẩn bị gia nhập BRICS.
– Thái Lan cũng được cho là đã chính thức gửi đề nghị tham gia.
– Theo các chuyên gia, việc gia nhập BRICS cũng có thể được coi là một động thái chiến lược nhằm đa dạng hóa quan hệ đối tác kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào các tổ chức tài chính do phương Tây dẫn dắt.
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), viễn cảnh các quốc gia Đông Nam Á gia nhập BRICS đã gây ra cuộc tranh luận gay gắt giữa các nhà phân tích, với những người ủng hộ cho rằng tư cách thành viên BRICS có thể mở ra các cơ hội thương mại và địa chính trị sinh lợi – trong khi những người hoài nghi cảnh báo nó có nguy cơ kéo các nước vào quỹ đạo của Trung Quốc và Nga, và làm xói mòn thêm sự thống nhất trong khu vực.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã tiết lộ hồi đầu tháng 6 rằng, nước ông đang chuẩn bị gia nhập BRICS, với các thủ tục chính thức sẽ sớm bắt đầu.
Thái Lan cũng được cho là đã chính thức gửi đề nghị tham gia, theo bước Lào và Myanmar – hai nước đã tuyên bố quan tâm vào năm ngoái.
BRICS ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Nhóm này đã được mở rộng vào đầu năm nay khi Ả Rập Saudi, Iran, Ethiopia, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng trở thành thành viên.
Theo các chuyên gia chính sách đối ngoại khu vực, việc Malaysia xúc tiến gia nhập BRICS phần lớn được thúc đẩy bởi lời hùng biện rộng rãi hơn của Thủ tướng Anwar xung quanh việc bảo vệ Nam bán cầu và thách thức các tiêu chuẩn kép của phương Tây.
Thomas Daniel – thành viên cấp cao chuyên về chính sách đối ngoại và nghiên cứu an ninh tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở ở Malaysia – cho biết, Thủ tướng Malaysia đã lên tiếng về các vấn đề phù hợp với đặc tính tổng thể của BRICS, từ nhu cầu đa cực đến phát triển kinh tế đa dạng.
“Malaysia coi BRICS không phải là một giải pháp thay thế mà là một cơ chế đa phương bổ sung khác”, Daniel nói, đồng thời lưu ý rằng nước này đã có mối quan hệ đáng kể với các thành viên chính của BRICS là Trung Quốc và Ấn Độ. Tăng cường liên kết thương mại và đầu tư với các thành viên sáng lập khác như Brazil cũng có thể mang lại lợi ích cho nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại của Malaysia.
Theo SCMP, trong một bài đăng gần đây trên Facebook, Thủ tướng Anwar kêu gọi ủng hộ “sự trỗi dậy của Nam bán cầu” và thúc đẩy một thế giới nơi “mọi quốc gia đều ‘có một ghế tại bàn’ và có tiếng nói trong việc định hình một tương lai tập thể” – phù hợp với quan điểm của BRICS như một thay thế cho các tổ chức do phương Tây dẫn dắt.
Động thái của Malaysia cũng diễn ra trong bối cảnh nước này ngày càng thất vọng với những tiêu chuẩn kép mà cộng đồng quốc tế do phương Tây dẫn dắt trong các vấn đề như xung đột Israel – Hamas. Kể từ khi chiến sự leo thang, Malaysia đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về số người thiệt mạng và đặt câu hỏi về điều mà nước này coi là sự đối xử bất bình đẳng.
Trái ngược với những lo ngại rằng tư cách thành viên BRICS có thể làm xói mòn sự thống nhất và tính trung tâm của ASEAN, chuyên gia Daniel cho biết ông tin rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên có sự linh hoạt và kiên cường để duy trì tầm quan trọng của mình đối với các quốc gia thành viên.
Nhiều thành viên ASEAN còn là thành viên của các tổ chức khác như Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC)…
“Tư cách thành viên của các tổ chức này không làm giảm tầm quan trọng của ASEAN đối với các thành viên và BRICS cũng vậy”, Daniel nói.
Jayant Menon – thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore – cho biết: “Tư cách thành viên của BRICS sẽ mang lại khả năng tiếp cận nguồn tài trợ mới cho nhiều nhu cầu phát triển của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.”
Một bước đi chiến lược
Indonesia cũng cho biết họ đang xem xét lợi ích của tư cách thành viên BRICS.
Ayu Anastasya Rachman – người đứng đầu bộ phận quan hệ quốc tế tại Đại học Bina Mandiri ở tỉnh Gorontalo của Indonesia – cho biết, việc gia nhập một nhóm gồm các nền kinh tế mới nổi lớn có thể giúp Indonesia tiếp cận tốt hơn với các thị trường sinh lợi, tăng đầu tư nước ngoài và cơ hội hợp tác về các dự án cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, khả năng gia nhập BRICS của Indonesia đang được xem xét kỹ lưỡng hơn do vị thế của nước này là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và vai trò của nước này trong ASEAN, Ayu nói, đồng thời nhấn mạnh rằng Jakarta phải cân bằng cẩn thận các lợi thế của tư cách thành viên BRICS trước những lo ngại về sự phụ thuộc quá mức vào một khối kinh tế khác.
Theo SCMP, Trung Quốc – với tư cách là động lực thúc đẩy việc mở rộng BRICS – muốn làm cho nhóm này trở nên đại diện hơn cho thế giới đang phát triển và khuếch đại tiếng nói chung của mình trên trường toàn cầu.
Sharon Seah – điều phối viên Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak – cho biết, nhiều người ở Indonesia đã vận động nước này tham gia Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thay vì BRICS để không “bị coi là liên kết quá chặt chẽ với Trung Quốc”.
Khi Indonesia sẵn sàng trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, việc tham gia nhiều hơn với các nền kinh tế phát triển của OECD có thể mang lại nhiều lợi ích hơn, bà cho biết.
“Không rõ lợi thế so sánh của nền kinh tế Indonesia là gì khi so sánh với các nền kinh tế lớn đang phát triển khác” chẳng hạn như trong BRICS, bà Seah nói.
Indonesia đặt mục tiêu gia nhập OECD trong vòng ba năm tới, điều này đã được Bộ trưởng điều phối kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto tái khẳng định vào tháng 5 sau chuyến thăm nước này của Tổng thư ký OECD Mathias Cormann – người đã gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
OECD dự đoán tổng sản phẩm quốc nội của Indonesia sẽ đạt 10,5 nghìn tỷ USD vào năm 2050, đưa nước này trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng với Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ.
Trong khi đó, Thitinan Pongsudhirak – giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Chulalongkorn của Thái Lan – cho biết, các quốc gia thành viên ASEAN chọn gia nhập BRICS có thể trở thành một vấn đề gây chia rẽ nội khối.
“Tính trung tâm của ASEAN sẽ bị xói mòn”, ông nói, đề cập đến nguyên lý cốt lõi của khối là định vị mình là nền tảng chính ở Đông Nam Á để giải quyết các thách thức khu vực và đàm phán với các cường quốc bên ngoài.
Ông nói, BRICS đã phát triển từ một nền tảng địa kinh tế chủ yếu dành cho các nền kinh tế mới nổi thành một đối trọng địa chính trị trong cuộc xung đột ngày càng gia tăng giữa “phương Tây” và “phần còn lại”.
Chuyên gia Seah đến từ Viện ISEAS-Yusof Ishak lập luận rằng, tư cách thành viên BRICS mang lại cho các quốc gia Đông Nam Á một cách để “phòng ngừa” trước sự cạnh tranh Mỹ – Trung.
“Trong bối cảnh trật tự đa phương đang đổ vỡ xung quanh chúng ta, có gì đáng ngạc nhiên khi các nước đang tìm kiếm các hình thức hợp tác mới?”, bà Seah nói.
Theo SCMP, Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến năm 2025 nhằm mục đích thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu rộng hơn giữa các quốc gia thành viên, đặt mục tiêu xây dựng một nền kinh tế khu vực có tính gắn kết, cạnh tranh và đổi mới cao, được kết nối sâu sắc.
Seah nói với This Week in Asia rằng: “Bản chất của nền kinh tế toàn cầu hóa có nghĩa là các bộ phận cấu thành khác nhau được sản xuất ở những nơi khác nhau trên thế giới, tận dụng các công nghệ và nguồn lực khác nhau.”
Bà cho rằng mong muốn gia nhập BRICS của các quốc gia Đông Nam Á sẽ thúc đẩy ASEAN tăng cường hội nhập khu vực, vốn đang bị chậm lại do thay đổi địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.
Cuối cùng, trật tự quốc tế đang sụp đổ “sẽ tạo động lực lớn hơn cho ASEAN để hội nhập toàn diện hơn”, Seah nói.