Tiềm năng của tỉnh vừa đón dòng vốn khủng, được kỳ vọng làm nên “kỳ tích sông Hồng”

Tiềm năng của tỉnh vừa đón dòng vốn khủng, được kỳ vọng làm nên "kỳ tích sông Hồng" - Ảnh 1.

Chiều 7/7, tại Hưng Yên, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Hưng Yên năm 2024. Mục tiêu quy hoạch đã được xác định rõ, đến năm 2030, Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô kinh tế và trình độ phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 9,0%/năm giai đoạn 2021-2030; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 278 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2030 khoảng 700 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 12 – 13 tỷ USD vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng đạt tăng 8,5 – 9,0%/năm giai đoạn 2021- 2030; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 khoảng 60 – 65% và đến năm 2050 khoảng 80%; kinh tế số chiếm 35% GRDP…

Đến năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thông minh, giàu đẹp, văn minh, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; là nơi đáng sống của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, để tỉnh đạt được mục tiêu đã đề ra, góp phần làm nên “kỳ tích sông Hồng”, Hưng Yên phải tích cực trong việc triển khai, cụ thể hóa quy hoạch.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, 24 nhà đầu tư đã được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án, với tổng vốn đầu tư 763 triệu USD và gần 10 nghìn tỷ đồng. Các lĩnh vực bao gồm: Hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị, thương mại, điện tử, logistics, nội thất, linh kiện điện tử, cơ khí… cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, Công ty Công nghệ Arizon (Mỹ) đã quyết định đầu tư tại Hưng Yên nhà máy điện tử công nghệ cao chuyên sản xuất các sản phẩm nhãn RFIA (Radio Frequency Identification-nhận dạng qua tần số vô tuyến), với mục tiêu là nhà máy lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này.

Tiềm năng của tỉnh vừa đón dòng vốn khủng, được kỳ vọng làm nên "kỳ tích sông Hồng" - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nguồn ảnh: Báo Hưng Yên

Tiềm năng của tỉnh Hưng Yên

Quy hoạch chỉ rõ Hưng Yên có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc B, có nhiều lợi thế về kết nối thuận lợi với hệ thống giao thông đồng bộ, nhất là cao tốc Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh. Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án mở rộng, nâng cấp đường nối đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình; dự án đường Tân Phúc – Võng Phan, các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp… tạo sức lan tỏa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hưng Yên cũng là tỉnh có thế mạnh về phát triển công nghiệp với nhiều khu công nghiệp lớn. Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cùng với 17 khu công nghiệp (KCN) đang được triển khai thực hiện, giai đoạn 2021 – 2030, toàn tỉnh có 13 KCN có tiềm năng quy hoạch mới với tổng diện tích gần 4,8 nghìn héc-ta. Trong đó có nhiều khu công nghiệp có quy mô lớn như Phố Nối A, Phố Nối B, Thăng Long II, Như Quỳnh, Minh Đức, Kim Động…

Tiềm năng của tỉnh vừa đón dòng vốn khủng, được kỳ vọng làm nên "kỳ tích sông Hồng" - Ảnh 2.

Hưng Yên là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp.

Tỉnh thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn, đến tháng 6/2024, có trên 17.300 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 212 nghìn tỷ đồng; có 1.686 dự án trong nước, tổng vốn 340 nghìn tỷ đồng; 577 dự án FDI, tổng vốn 7,5 tỷ USD.

Trong giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh đạt 10,71%, cao hơn gấp đôi tốc độ bình quân của cả nước (5,24%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ chiếm tỉ trọng chủ yếu (năm 2023, khu vực nông nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 7% GRDP; năm 2011 chiếm 24%); thu ngân sách nhà nước luôn vượt kế hoạch (năm 2023 đạt 33.100 tỷ đồng, năm 2011 đạt 4.058 tỷ đồng).

Năm 2023 là năm thứ hai Hưng Yên nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu ngân sách cao nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất; xếp hạng quy mô kinh tế của tỉnh vươn lên vị trí thứ 16/63. Môi trường đầu tư tại Hưng Yên thuận lợi với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng hàng năm, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI xếp thứ 12/63.