Cố vấn tình báo của lãnh đạo quân sự Sudan, ông Ahmad Hasan Mohamed, chia sẻ với báo Wall Street Journal (WSJ) rằng nếu Iran thành công, họ có thể giám sát giao thông hàng hải qua lại giữa kênh đào Suez và Israel.
Iran đã cung cấp cho quân đội Sudan máy bay không người lái (UAV) để giúp quốc gia này đối phó với một lãnh chúa nổi dậy. Tehran đề nghị cung cấp bổ sung tàu sân bay trực thăng nếu Sudan “bật đèn xanh” cho căn cứ nêu trên.
“Iran nói rằng họ muốn sử dụng căn cứ để thu thập thông tin tình báo. Họ cũng muốn neo đậu tàu chiến ở đó” – ông Mohamed tiết lộ, đồng thời cho biết Sudan từ chối đề nghị của Iran để tránh mâu thuẫn tiềm tàng với Mỹ và Israel.
Một căn cứ hải quân trên biển Đỏ sẽ cho phép Iran thắt chặt kiểm soát đối với một trong những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới, nơi lực lượng Houthi do Tehran hậu thuẫn đang tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào tàu thương mại.
Houthi tuyên bố những cuộc tấn công này nhằm đáp trả Israel và đồng minh của nước này vì xung đột ở Gaza. Các đối thủ trong khu vực của Iran là Israel, Ai Cập và Ả Rập Saudi đều có quyền tiếp cận trực tiếp tuyến hàng hải nêu trên.
Theo WSJ, Iran gửi vũ khí ngày càng hiện đại cho Houthi, giúp nhóm này nâng cao khả năng tấn công tàu buôn và làm gián đoạn dòng chảy thương mại quốc tế, bất chấp chiến dịch đáp trả của lực lượng do Mỹ dẫn đầu.
Dưới thời cựu Tổng thống Omar al-Bashir, Sudan có mối quan hệ chặt chẽ với Iran và lực lượng Hamas.
Sau khi ông Bashir bị lật đổ trong một cuộc đảo chính vào năm 2019, lãnh đạo chính quyền quân sự của Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan, bắt đầu xây dựng quan hệ hợp tác với Mỹ nhằm chấm dứt lệnh trừng phạt quốc tế. Ông Burhan cũng đã bình thường hóa quan hệ Sudan-Israel.
Theo giới chuyên gia, yêu cầu xây dựng căn cứ của Iran là một ví dụ điển hình cho thấy các nước trong khu vực đang tìm cách hưởng lợi từ cuộc nội chiến ở Sudan. Mục tiêu của những nước này là thiết lập ảnh hưởng tại quốc gia được xem là “ngã tư chiến lược” giữa Trung Đông và châu Phi cận Sahara.