Theo dữ liệu từ AirVisual, cơ quan cung cấp thông tin ô nhiễm không khí toàn cầu độc lập, mức độ các hạt nhỏ nguy hiểm được gọi là PM2.5 trong không khí ở Hà Nội ở mức 187 microgam trên mét khối vào cuối ngày 4/3, mức cao nhất trong danh sách các thành phố quốc tế bị ô nhiễm nhất .
Dương Kim Oanh, 58 tuổi, cư dân Hà Nội, nói với Reuters : “Điều này có hại cho sức khỏe của chúng tôi. Tôi cho rằng ô nhiễm ở Hà Nội là do lượng lớn phương tiện cá nhân và bụi mịn từ các công trình xây dựng , cộng với thời tiết lạnh giá này”.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2021, khí thải từ 8 triệu phương tiện đã đăng ký của Hà Nội chiếm 30% ô nhiễm bụi không khí và lượng khí thải công nghiệp chiếm 30%.
Bà Phạm Thị Phương, một cư dân Hà Nội, nói rằng, tình trạng ô nhiễm “sẽ ảnh hưởng đến hệ hô hấp, khiến người cảm thấy mệt mỏi, thậm chí khó thở ”.
Ảnh hưởng các chuyến bay
Ngày 2/2, Euronews đăng bài dài với nội dung ô nhiễm không khí ở Hà Nội tệ đến mức các chuyến bay phải chuyển hướng do tầm nhìn kém. Cụ thể, khoảng 100 chuyến bay phải chuyển hướng hoặc hoãn tại sân bay Nội Bài sáng 2/2 do sương mù bao trùm Thủ đô.
Máy bay không thể cất hoặc hạ cánh; sân bay tạm dừng đón khách vào lúc 4h30. Nhà chức trách cho biết việc máy bay hạ cánh sẽ không an toàn do tầm nhìn kém.
Một số phải chuyển hướng đến các sân bay khác như Cát Bi ở Hải Phòng, cách Hà Nội 125 km về phía đông. Ba sân bay khác là Thọ Xuân ở Thanh Hóa, Vinh ở Nghệ An và Phú Bài ở Huế cũng bị gián đoạn hoạt động do sương mù.
Theo trang web giám sát chất lượng không khí IQAir, sáng 2/2, mật độ bụi mịn (PM 2.5) ở Hà Nội đã cao hơn 11 lần so với mức an toàn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định. Mọi người nên đeo khẩu trang khi ra ngoài trời, tránh tập thể dục ngoài trời, đóng cửa sổ và chạy máy lọc không khí khi ở trong nhà.
Tại sao chất lượng không khí ở miền Bắc lại kém đến vậy?
Ô nhiễm không khí là một vấn đề thường xuyên ở Việt Nam. WHO ước tính rằng ô nhiễm không khí có liên quan đến hơn 60.000 ca tử vong sớm ở Việt Nam mỗi năm (số liệu năm 2016).
Vấn đề này bắt nguồn từ một số nguyên nhân bao gồm xây dựng, giao thông đông đúc, sản xuất thép và xi măng, hoạt động của các nhà máy nhiệt điện đốt than. Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, tại Hà Nội, gần 35% PM 2.5 đến từ ngành công nghiệp, bao gồm các nhà máy điện và công nghiệp lớn quanh thành phố. Khoảng 25% đến từ giao thông (có gần 8 triệu xe đăng ký tại Hà Nội).
Phát thải amoniac từ chăn nuôi và sử dụng phân bón chiếm 20% PM 2.5, khoảng 10% đến từ các nguồn sinh hoạt như nấu ăn bằng than củi và 7% đến từ việc đốt chất thải nông nghiệp.
Sau khi thu hoạch, sương mù dày đặc hình thành ở miền Bắc khi nông dân đốt rơm rạ để chuẩn bị cho mùa trồng cấy tiếp theo. Mặc dù hành vi này đã bị cấm nhưng nó vẫn còn phổ biến do việc thực thi kém hiệu quả và có ít biện pháp khuyến khích loại bỏ cách làm gây ô nhiễm nhưng lại tiết kiệm thời gian, chi phí này. Điều này càng trở nên tồi tệ hơn do việc đốt rác trong và xung quanh thành phố.
Lượng mưa thấp vào mùa đông càng làm suy giảm chất lượng không khí ở Hà Nội, với sự đảo ngược nhiệt độ từ tháng 1 đến tháng 3 khiến tình trạng ô nhiễm diễn ra ở gần mặt đất.
Gió trong tháng 12 và tháng 1 cũng được cho là đưa chất ô nhiễm từ các siêu đô thị phía nam Trung Quốc vào Hà Nội.
Hà Nội làm gì để chống ô nhiễm không khí?
Với việc thiếu các quy định, tình trạng ô nhiễm đang có xu hướng trở nên tồi tệ hơn ở Hà Nội. Nhưng gần đây, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra kế hoạch giảm thiểu phát thải các-bon.
Tháng 5 năm ngoái, Việt Nam tuyên bố sẽ không phát triển các nhà máy điện than mới sau năm 2030 (dù năm 2020 đã có kế hoạch xây dựng 10 nhà máy mới ở khu vực phía Bắc vào cuối thập kỷ này). Theo kế hoạch mới, than sẽ chiếm 20% tổng nguồn năng lượng của đất nước vào năm 2030, giảm từ mức 50% hiện nay.
Tổng cộng 15,5 tỷ USD tài trợ từ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng liên chính phủ (do Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu đồng chủ trì) sẽ giúp Việt Nam hướng tới quá trình chuyển đổi xanh. Thủy điện là nguồn năng lượng lớn thứ hai của đất nước, mặc dù hạn hán năm 2023 đã hạn chế sản xuất thủy điện.
Hà Nội đang nhận sự hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới để thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm ô nhiễm không khí. Định chế tài chính quốc tế này đã khuyến nghị các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, như chuyển hướng sử dụng năng lượng than, giảm tắc nghẽn giao thông, giảm khí thải giao thông, cải thiện các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi.
Mặc dù lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam đối với toàn cầu là thấp (ở mức 0,8%) nhưng đang tăng tốc với tốc độ nhanh nhất thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới, lượng khí thải CO 2 bình quân đầu người đã tăng gấp bốn lần từ 0,79 tấn năm 2000 lên 3,81 tấn vào năm 2018.
Các biện pháp cải thiện chất lượng không khí ở Bắc Kinh
Theo báo chí Trung Quốc, trong đó có Xinhua và China Daily , nước này đã và đang áp dụng nhiều biện pháp để giảm dần tình trạng ô nhiễm không khí ở thủ đô Bắc Kinh.
– Tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt: Trung Quốc đã xây dựng và đưa ra nhiều tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông, cơ sở công nghiệp và nhà máy điện nhằm hạn chế thải chất ô nhiễm thải vào không khí.
– Kiểm soát tiêu thụ than: Bắc Kinh đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào than để sưởi ấm và sản xuất điện. Những nỗ lực này bao gồm việc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than nhỏ và kém hiệu quả, cũng như thúc đẩy các công nghệ sạch hơn.
– Khuyến khích năng lượng tái tạo: Chính phủ Trung Quốc đã tích cực thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió… để thay thế các nguồn năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch truyền thống.
– Kiểm soát khí thải phương tiện: Bắc Kinh đã áp dụng các tiêu chuẩn khí thải phương tiện nghiêm ngặt và khuyến khích sử dụng xe điện và xe hybrid. Thành phố này cũng đã đưa ra các biện pháp như xổ số biển số, hạn chế các phương tiện có lượng khí thải cao để kiểm soát số lượng ô tô trên đường.
– Tái cơ cấu công nghiệp: Chính phủ đang nỗ lực tái cơ cấu và nâng cấp các ngành công nghiệp để giảm ô nhiễm từ quá trình sản xuất. Điều này bao gồm việc đóng cửa các cơ sở công nghiệp lỗi thời và gây ô nhiễm cao.
-T rồng rừng: Để cải thiện chất lượng không khí, Trung Quốc đã đầu tư vào các dự án trồng rừng quy mô lớn nhằm tăng độ che phủ xanh và hấp thụ các chất ô nhiễm.
– Cải thiện giao thông công cộng: Bắc Kinh đã mở rộng và cải thiện hệ thống giao thông công cộng, bao gồm phát triển các tuyến tàu điện ngầm, hệ thống xe buýt nhanh (BRT), các điểm cho thuê xe đạp thông qua ứng dụng điện thoại… Những nỗ lực này nhằm giảm sự phụ thuộc vào phương tiện cá nhân, giảm lượng khí thải tổng thể.
– Giám sát chất lượng không khí và nâng cao nhận thức của công chúng: Trung Quốc đã tăng số lượng trạm giám sát chất lượng không khí và cung cấp dữ liệu chất lượng không khí theo thời gian thực cho công chúng. Thông tin này giúp nâng cao nhận thức và cho phép người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa trong thời kỳ ô nhiễm cao.
– Các biện pháp ứng phó khẩn cấp: Bắc Kinh đã áp dụng một số biện pháp ứng phó khẩn cấp, như tạm thời hạn chế hoạt động sản xuất công nghiệp và giao thông trong thời điểm ô nhiễm không khí nghiêm trọng…